Doanh nghiệp

Sếp Elise: “Cần rạch ròi giữa cãi sếp và trình bày quan điểm, trình bày quan điểm với thái độ vô lễ, hằn học, vùng vằng… là sai”

Là “bóng hồng” duy nhất đồng hành liên tiếp 4 mùa Cơ hội cho ai, Sếp Lưu Nga - Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám Đốc Thời Trang Elise đã có những trải nghiệm đầy cảm xúc khi ngồi ở vị trí “ghế nóng”.

Nói về câu chuyện bằng cấp, tôi nhớ chỉ 2 tập trước đó, một cô gái không bằng cấp Huỳnh Hà My (cô nàng producer của kênh youtube ẩm thực nổi tiếng) được chị offer tới 50 triệu đồng để chiêu mộ… Về câu chuyện bằng cấp, chị thật sự nhìn nhận thế nào?

Với quan điểm cá nhân của tôi, bằng cấp quan trọng nhất khi bạn mới ra trường, khi đó doanh nghiệp có xu hướng sẽ nhìn vào bằng cấp để tuyển dụng lao động trong vòng xét tuyển hồ sơ, cốt lõi vẫn là kiến thức bạn thể hiện với nhà tuyển dụng. Còn khi đã là những nhân sự lâu năm thì tính hiệu quả và logic khi ứng biến các công việc quan trọng hơn bằng cấp.

Elise của tôi khởi nghiệp từ những nhân sự còn rất trẻ, trong số đó nhiều nhân sự bằng cấp không đồng đểu, nhưng sự thành công của họ không thực sự tỷ lệ thuận với bằng cấp xếp hạng chủ quan, mà nó tỷ lệ thuận với ý thức, đạo đức và nhân cách của mỗi người trong công việc, cái đó tôi gọi là văn hoá của nhân sự.

Ngồi ghế Sếp xuyên suốt 4 mùa và là nhà tuyển dụng lâu năm, chị nhìn nhận thế nào nếu đem lên bàn cân năng lực của các du học sinh và các sinh viên tốt nghiệp trong nước?

Tất nhiên, du học sinh, đa số là những bạn may mắn hơn rất nhiều các bạn trong nước, là những bạn có thành tích học tập xuất sắc, là gia đình có điều kiện kinh tế hơn hẳn mức trung bình cao của đất nước. Các ứng viên là du học sinh, các bạn ấy được trải nghiệm đa quốc gia, sự tự lập, độc lập trong môi trường quốc tế ở các nước phát triển, các bạn ấy may mắn được tiếp cận với công nghệ mới.

Sếp Elise: “Cần rạch ròi giữa cãi sếp và trình bày quan điểm, trình bày quan điểm với thái độ vô lễ, hằn học, vùng vằng… là sai” - Ảnh 1.

Bà Lưu Nga, TGĐ Elise

Nhưng thực tế các công ty Việt Nam lại cần những ứng viên năng động, dễ hoà nhập và hiểu rõ văn hoá của người việt nhiều hơn. Bởi vậy, tôi cho rằng, du học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường cần thêm vài năm ở các doanh nghiệp Việt Nam để nắm rõ hơn về con người và cách làm việc của người Việt, có như vậy mới có thể dễ dàng hoà nhập và từ đó đưa kiến thức tiên tiến mình học được kết hợp với môi trường Việt Nam để phát huy điểm mạnh của mình, lúc đó tôi hy vọng rằng các bạn du học sinh sẽ có nhiều đóng góp thực sự cho doanh nghiệp mà không dễ gì học sinh trong nước có được.

Đó là lý do tôi khuyên du học sinh hãy khiêm tốn - coi bằng cấp chỉ là một tờ giấy chứng nhận, để hoà nhập dễ dàng và lấy đà cho phát triển bản thân.

Đối với các con tôi cũng vậy, tôi tạo điều kiện cho các con đi du học nhưng tôi cũng luôn nhắc nhở các con phải biết lợi thế của các bạn học trong nước, phải khiêm tốn khi trở về và tìm cách hoà nhập một cách dễ dàng nhất.

Gen Z được nhìn nhận là một thế hệ dám nói dám làm, hay “bật sếp”. Chị nghĩ gì về nhận định này?

Các bạn cần phân định rõ ràng giữa hai khái niệm cãi và trình bày quan điểm, đây là hai cái khác nhau hoàn toàn. Trình bày quan điểm với thái độ không đúng, vô lễ, hằn học, vùng vằng… là sai. Còn tranh luận là cần thiết để cùng trình bày quan điểm, thống nhất nội dung nhưng không bật, cãi với thái độ thiếu tôn trọng bởi đó là chuẩn mực đạo đức trong giao tiếp mà không nên sai phạm.

Tôi cho rằng thế hệ nào thì cũng cần tôn trọng Sếp. Và khi tôn trọng thì sẽ tìm ra được sự kết hợp tốt nhất giữa nhân viên và người lãnh đạo.

Sau giờ hành chính, sếp sẽ không thể liên hệ hoặc giao việc ngoài giờ. Chị đánh giá như thế nào với những nhân viên đang muốn áp dụng cách làm việc này?

Tôi nghĩ rằng nó phụ thuộc rất lớn vào ý thức. Elise trong hành trình 10 năm, có những nhân sự làm miệt mài ngày đêm, việc đến văn phòng và làm việc trở thành hạnh phúc, đam mê của họ thay vì cưỡng chế, ép buộc. Xã hội phát triển, môi trường cũng thay đổi.

Hiện nay, sau 5h chiều, gần như 90% nhân sự văn phòng đều ra về. Thoạt đầu, tôi cũng có chút ngạc nhiên về sự thay đổi so với phong cách làm việc trước đây. Tuy nhiên, tôi và ban lãnh đạo Elise không đánh giá quá nhiều. Sự phát triển của Elise là vững bền và sẽ không thay đổi cho dù hình thức làm việc có thay đổi, chỉ cần các bạn có đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm và tình yêu với công việc của chính mình, thời gian làm việc ở văn phòng bao nhiêu không còn quá quan trọng.

Nếu như 8X, 9X ngày trước bị kinh tế đè nặng, dù công ty chế độ không tốt họ vẫn cố gắng bám trụ. Còn Gen Z ngày nay, họ sẵn sàng từ bỏ công ty/ từ bỏ sếp nếu nhận thấy không mang lại cho mình nhiều giá trị tinh thần. Chị nghĩ sao về điều này?

Đó là sự phát triển tất yếu của xã hội, không phải là cấp tiến cũng chẳng phải sướng quá hoá hư. Mọi sự vật luôn luôn vận động và phát triển, nhu cầu sống và mức sống thay đổi, yêu cầu xã hội cũng không còn như trước. Chúng ta không thể so sánh phương thức làm việc của những thế hệ cũ so với thế hệ trẻ hiện nay. Cá nhân tôi phù hợp tất với cả thế hệ cũ lẫn thế hệ Gen Z, tôi dạy được con nghĩa là tôi hiểu được các con mình, và hiểu được thế hệ Gen Z cần gì.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!


Cùng chuyên mục

Đọc thêm