Hội thảo do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Napas, Sở Công thương TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức ngày 14-6 tại TP.HCM. Đây là một sự kiện trong khuôn khổ chương trình “Ngày không tiền mặt 2024”.
Thẻ không số an toàn và bảo mật hơn
Trong phần thảo luận, khi được hỏi về vấn đề trên các nền tảng xã hội rộ lên việc bán các tài khoản thẻ tín dụng bị rò rỉ thông tin trong quá trình thanh toán, bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia, Việt Nam, Campuchia và Lào, Mastercard, cho biết thời gian qua thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển rất mạnh. Do vậy những vấn đề rủi ro trong thanh toán ít nhiều sẽ phát sinh.
Là tổ chức thanh toán, bà Winnie Wong cho biết hướng xử lý mà Mastercard áp dụng đối với việc rò rỉ thông tin thẻ vật lý là truyền thông cho khách hàng giữ thẻ an toàn, riêng tư, không chia sẻ thông tin thẻ cho người khác.
Mastercard cũng làm việc với bên cung cấp dịch vụ và áp dụng giải pháp "thẻ không số". Đây là những thẻ được mã hóa thông tin, khách hàng nên kết hợp thẻ và điện thoại của mình, qua đó có thể chủ động kiểm soát mở, đóng thẻ, hoặc kiểm soát cho phép thẻ chi tiêu thẻ trong nước, quốc tế, hoặc cài đặt hạn mức…
"Đối với thẻ online chúng tôi sẽ mã hóa số thẻ. Giữa người dùng và bên cung cấp dịch vụ sẽ chỉ chia sẻ token mà thôi. Tất nhiên chúng tôi biết tội phạm sẽ ngày càng tinh vi hơn do vậy chúng tôi sẽ liên tục cải tiến cách thức để đối phó với tội phạm vào bảo vệ người dùng", bà Winnie Wong nói.
Còn ông Nguyễn Phúc Dương - Giám đốc khối Công nghệ thông tin và Ngân hàng điện tử HDBank, cho biết kể từ ngân hàng bắt đầu triển khai giải pháp thanh toán không tiền mặt trong đời sống của người dùng thì đi cùng đó là công tác bảo đảm an toàn cho người dùng.
Hiện HDBank đang phối kết hợp với dịch vụ công ty trong nước, cùng các giải pháp công nghệ nước ngoài và đội ngũ nội bộ chuyên trách để tăng cường các giải pháp, đảm bảo an toàn cho người dùng và ngân hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tập trung phân tích, đánh giá và cải tiến liên tục công tác này nhằm bảo vệ khách hàng một cách tốt nhất.
An toàn thông tin là ưu tiên của Ngân hàng nhà nước
Ông Lê Hoàng Chính Quang, phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, NHNN Việt Nam cho biết, theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trong năm 2023 đã có đến 13.900 vụ tấn công vào các đơn vị tại Việt Nam.
Trước thực trạng đó, NHNN đã xác định bảo đảm an ninh, an toàn thông tin (ATTT) là một trong những trụ cột chính trong chiến lược phát triển CNTT, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng. Trong những năm qua, NHNN đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về bảo đảm ATTT và hoạt động liên tục của các hệ thống thông tin.
Từ đầu năm 2024 đến nay, NHNN đã có 7 văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức triển khai các giải pháp bảo đảm ATTT (trung bình mỗi tháng 1 văn bản). Đồng thời, phối hợp với lực lượng công an tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề về công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin quan trọng tại các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán.
Về công nghệ, nếu trước đây chúng ta hay thực hiện theo cách truyền thống là phòng ngự bị động thì bây giờ sang chủ động trong công tác bảo đảm an ninh, ATTT. Cụ thể, chúng ta chủ động kiểm tra, đánh giá, khắc phục các lỗ hổng, điểm yếu về ATTT của các hệ thống thông tin; chủ động giám sát, điều tra các dấu hiệu sự cố ATTT ngay từ khi mới bắt đầu để kịp thời xử lý từ sớm các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra…
Bên cạnh đó, các ngân hàng, doanh nghiệp cũng phải thiết lập các hệ thống dự phòng thảm họa, sao lưu dữ liệu, thực hiện việc chuyển đổi định kỳ giữa các trung tâm dữ liệu bảo đảm sẵn sàng thay thế cho hệ thống chính (nếu có sự cố xảy ra). Song song đó, mọi doanh nghiệp phải xây dựng các kịch bản và diễn tập ứng cứu các sự cố ATTT.
Hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ông Robert Trần - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An toàn thông tin EY Việt Nam - chia sẻ theo trải nghiệm của bản thân, trước kia làm trong một công ty ở Pháp, chất lượng của hoạt động bảo mật được kiểm soát rất chặt chẽ.
Trong khi đó, cả chuẩn Pháp và chuẩn Châu Âu về vấn đề này đều rất kĩ. Về Việt Nam từ năm 2016, tức đã được 8 năm, ông nhận thấy việc Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, nâng cao bảo mật ngân hàng, là hướng đi rất tốt. Trong vấn đề này, có thể nói chuẩn ngân hàng ở Việt Nam cao hơn nhiều nước Đông Nam Á.
Người nộp thuế dễ dàng hơn nhờ giao dịch không tiền mặt
Ông Mai Sơn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết việc triển khai hệ thống khai thuế điện tử từ năm 2009. Đây là ứng dụng dịch vụ điện tử đầu tiên tại Việt Nam cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp và người nộp thuế. Tiếp đó, ngành Thuế triển khai ứng dụng nộp thuế điện tử năm 2014, hoàn thuế điện tử năm 2017 và tích hợp trong một hệ thống duy nhất dịch vụ Thuế điện tử (eTax) từ năm 2018.
Thực tế, năm 2023 có tổng thu 1,4 triệu tỉ đồng tiền thuế nộp ngân sách nhà nước thì có đến 99% là nộp không tiền mặt.
Không chỉ người nộp thuế ở trong nước mà ngay cả các tổ chức nước ngoài cũng có thể nộp thuế một cách thuận tiện, dễ dàng đối với phần doanh thu phát sinh ở Việt Nam. Theo đó, từ ngày 21-3-2022, Tổng cục Thuế đã chính thức triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Qua cổng này, nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới. Đến nay, đã có 99 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế với tổng số tiền là hơn 16.000 tỉ đồng.
Và đối với người nộp thuế cá nhân, hộ kinh doanh, từ năm 2022, người nộp thuế là cá nhân, hộ kinh doanh cũng dễ dàng khai, nộp thuế điện tử trên thiết bị di động (eTax Mobile). Với sử dụng ứng dụng eTax Mobile, cá nhân, hộ kinh doanh có thể tra cứu nghĩa vụ, nộp thuế điện tử, tiền thuế đất hay các khoản phí và lệ phí…