Tuần này, Xiaomi thông báo ngừng hỗ trợ người dùng mở khóa bootloader - thao tác quan trọng biến điện thoại xách tay thành bản quốc tế, có thêm giao diện tiếng Việt và sử dụng được đầy đủ dịch vụ từ Google.
Quy định mới sẽ áp dụng ngay lập tức với thế hệ Xiaomi 14 series chạy hệ điều hàng HyperOS và Redmi K70 series. Với những dòng máy cũ sử dụng MIUI, Xiaomi yêu cầu người dùng phải khóa bootloader mới có thể tiếp tục cập nhật phần mềm từ hãng.
Các chuyên gia đánh giá động thái mới từ Xiaomi sẽ ảnh hưởng mạnh đến thị trường hàng xách tay thời gian tới. Những năm qua, sản phẩm không chính hãng vẫn thu hút lượng lớn người dùng tại Việt Nam vì giá rẻ hơn. Ở một số phiên bản, thiết bị loại này còn chiếm ưu thế do có thêm lựa chọn về tính năng, màu sắc, đồng thời được đưa về sớm tại Việt Nam.
"Nếu không thể can thiệp phần mềm, điện thoại xách tay Xiaomi phải sử dụng ROM gốc Trung Quốc. Máy sẽ chậm hiển thị thông báo từ ứng dụng tin nhắn, không có tiếng Việt và bị cài sẵn nhiều app rác", ông Đoàn Văn Cường, chủ cửa hàng điện thoại tại Thanh Xuân (Hà Nội), nói.
Ông cho biết các đơn vị kinh doanh máy xách tay đã thử tìm cách vượt qua quy định mới nhưng không thành công. Khi cố ý mở khóa bootloader, một số máy sẽ hiện thông báo "không thể liên kết" và yêu cầu đăng ký quyền truy cập trên nền tảng Xiaomi Community. Tuy nhiên, điều kiện để được xét duyệt cũng rất khắt khe.
"Xiaomi chỉ cấp quyền mở khóa cho lập trình viên và giới nghiên cứu. Tài khoản người dùng phải đạt cấp độ 5 tại Xiaomi Community và có căn cước công dân Trung Quốc - điều bất khả thi với người dùng Việt Nam", ông nói.
Để hạn chế tình trạng gian lận, Xiaomi cũng chỉ cho phép một tài khoản mở khóa tối đa ba thiết bị mỗi năm. Quá trình mở khóa chỉ kéo dài 12 tháng, hết thời hạn cần đăng ký lại.
Theo ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, quy định mới là một trong những biện pháp "bóp nghẹt" thị trường xách tay của Xiaomi. Thống kê bởi công ty nghiên cứu Metric cho thấy doanh thu mảng điện thoại, gia dụng Xiaomi đạt khoảng 1.333 tỷ đồng năm qua, nhưng có đến 80,6% là từ nguồn xách tay. Đồng thời, những sản phẩm bán chạy như Xiaomi 13 Ultra, Mi 13 và Mi 13 Ultra cũng là hàng phân phối bởi các đại lý không ủy quyền.
"Vì tránh được nhiều khoản thuế, phí áp dụng với hàng chính hãng, điện thoại xách tay thường có giá rẻ và đạt doanh số bán hàng lớn", ông Huy nói. Tuy nhiên, do không thể kiểm soát nguồn gốc hàng hóa, thiết bị loại này có chất lượng không đồng đều, không được bảo hành đầy đủ, giảm trải nghiệm người dùng và gián tiếp ảnh hưởng tới uy tín của hãng.
Cũng theo ông Huy, ngoài việc dừng hỗ trợ mở khóa bootloader, Xiaomi đang tiến hành nhiều chính sách nhằm hướng người dùng tới sản phẩm phân phối chính hãng. Cụ thể, hãng giảm giá nhiều điện thoại về mức cạnh tranh với máy xách tay, đưa nhiều mẫu mã hơn tới Việt Nam để người dùng có thêm lựa chọn. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về thời gian ra mắt sản phẩm mới giữa thị trường quốc tế và Trung Quốc cũng rút ngắn so với trước.
"Nếu nhận thấy doanh số máy phân phối chính hãng tăng lên, Xiaomi có thể dành nhiều ưu tiên hơn cho thị trường Việt Nam. Bên được hưởng lợi cuối cùng chính là người dùng", ông Huy cho biết.