Phụ huynh huy động cả nhà "cứ 3 tiếng lại đổi ca" xếp hàng xuyên đêm
Cách đây vài hôm, hàng trăm phụ huynh xếp hàng 12 tiếng xuyên đêm , trong thời tiết oi bức, rồi chen lấn để nộp hồ sơ cho con vào lớp 1 trường chất lượng cao ở quận Hà Đông.
Có phụ huynh huy động cả nhà "cứ 3 tiếng lại đổi ca" xếp hàng xuyên đêm giành suất vào lớp 1 Trường Tiểu học này.
Nhiều gia đình khác trú phường Vạn Phúc, chia sẻ họ quá vất vất vả sau khi xếp hàng từ 20h tối qua đến 8h30 sáng 13/6 tại trường Tiểu học Vạn Bảo. Đây là trường tiểu học công lập chất lượng cao duy nhất của quận.
Trước đó, hàng trăm phụ huynh ở Hà Nội xếp hàng 6-7 tiếng, chờ tới nửa đêm để mua hồ sơ cho con dự tuyển vào lớp 1.
Ngày 25/2, trường Marie Curie phát hành hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1, năm học 2023 - 2024. Tuy nhiên, từ 16h chiều 24/2, nhiều phụ huynh đã có mặt tại cổng trường, cơ sở Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), để chờ đợi.
Các phụ huynh nói nhà trường phát hành hồ sơ tuyển sinh lớp 1 với số lượng không nhiều, sợ đến muộn sẽ không còn cơ hội. Trong thông báo, trường không ghi rõ giờ phát hành hồ sơ.
Đây là lần thứ hai diễn ra cảnh này ở trường Marie Curie. Năm ngoái, khoảng 30 phụ huynh đến trường vào lúc 0h, được nhà trường bán hồ sơ sau đó 30 phút.
Hơn 10 năm trước, hàng trăm phụ huynh xếp hàng, xô đổ cổng Trường PTCS Thực nghiệm để giành suất mua hồ sơ thi vào lớp 1 cho con từng gây nhiều tranh cãi.
Rõ ràng, hiện tượng phụ huynh xếp hàng xuyên đêm mua hồ sơ lớp 1 hay đạp đổ cổng trường cho thấy ngoài câu chuyện áp lực cơ sở vật chất trường học trong bối cảnh dân số tăng nhanh ở Hà Nội hiện nay, còn có phần từ mong muốn chủ quan từ phía phụ huynh. Họ mong muốn tìm một trường tốt nhất mà với chi phí giá rẻ trong khi chỉ tiêu tuyển sinh lại ít.
Còn nhiều trường tiểu học có cơ sở vật chất, đào tạo tốt
Hiện tượng phụ huynh xếp hàng xuyên đêm những mong nộp được hồ sơ lớp 1 cho con xảy ra tại Trường Tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông là một hiện tượng lạ và bất ngờ với khối trường công lập.
Theo kế hoạch tuyển sinh của trường: Từ 13 - 18/6, trường bắt đầu phát hành phiếu và tiếp nhận đơn dự tuyển lớp 1. Tuy nhiên, ngay từ 5 giờ chiều ngày 12/6 đến đêm 12/6, hàng trăm phụ huynh đã đến xếp hàng ngồi chờ xuyên đêm để sáng 13/6, những mong được nộp hồ sơ cho con.
Lý do phải chờ đợi, nộp hồ sơ bằng được vào Trường Tiểu học Vạn Bảo được các phụ huynh đưa ra là: Trường gần nhà, tiện đưa đón. Trường chất lượng cao đồng nghĩa với chất lượng giáo dục tốt, giáo viên chuẩn, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại và đặc biệt là sĩ số chỉ 30 học sinh/lớp.
Nên dù mức thu học phí của trường là 3,3 triệu đồng/tháng chưa kể tiền ăn, đồng phục, xe đưa đón, câu lạc bộ ngoài giờ... và có lộ trình tăng theo từng năm nhưng so với trường tư thục thì mức phí này vẫn rất tốt nên phụ huynh nào cũng cố gắng và mong muốn cho con được học tại đây.
Đại diện Trường Tiểu học Vạn Bảo cho biết, việc chen lấn, xếp hàng từ tối 12/6 là hành động tự phát của phụ huynh, trường không khuyến khích việc này.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, cho biết nhu cầu của phụ huynh vào trường Tiểu học Vạn Bảo cũng đông nhưng không đông như năm nay. Vì vậy, trường và cơ quan quản lý cũng bất ngờ với lượng phụ huynh tăng đột biến, nhiều phụ huynh xếp hàng từ đêm 12/6.
Với các phụ huynh không thể đăng ký vào trường Tiểu học Vạn Bảo, bà Hằng cho biết quận Hà Đông còn nhiều trường tiểu học có cơ sở vật chất, đào tạo tốt như Tiểu học Đoàn Kết, La Khê, Trần Đăng Ninh... Ngày 1/7, học sinh sẽ được tuyển sinh lớp 1 theo tuyến, đảm bảo đủ chỗ học nên phụ huynh không cần quá lo lắng.
“Các năm tới, trường sẽ thay đổi phương thức sao cho phù hợp"- bà Hằng nói.
Chia sẻ quan điểm về việc 'dốc sức' chọn trường cho con, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương cho rằng, việc xếp hàng xuyên đêm giành suất vào lớp 1 nói lên thực tế nguồn lực của giáo dục Việt Nam. Hiện các trường điểm quả thật có nhiều ưu thế hơn về giáo viên, nguồn lực hơn các trường bình thường khác.
Trước câu hỏi, để giải quyết vấn đề chỗ học, có nên cơi nới, xây dựng trường học cao tầng hơn hiện nay không? Ông Vương cho rằng, giải pháp xây lớn, mở rộng trường sẽ bất khả thi về nguồn giáo viên và các nguồn lực tương tự.
Ông Vương nêu quan điểm, trong hệ thống thi cử khép kín như Việt Nam với sự tranh đua gắt gao thì các trường điểm là bệ đỡ tốt để lên cấp cao hơn có thể đỗ được các trường điểm. "Cuộc đua này làm cho nhiều gia đình, học sinh bị quá sức và nó phản ánh tâm lý tuyệt đối hóa trường học-vai trò của thầy cô. Giáo dục hiện đại có nhiều cơ hội khác ngoài trường điểm"- ông Vương nhấn mạnh.
Thầy giáo Ngô Xuân Quỳnh (giáo viên ở Hà Nội): Chỉ cần trường tốt thì phụ huynh học sinh sẽ không tiếc tiền của
Sự việc xảy ra vừa qua tại trường Tiểu Học Vạn Bảo - Hà Đông đã và đang là một minh chứng rõ ràng. Với phụ huynh, ai cũng đều có mong muốn con được học vào ngôi trường tốt nhất.
Vậy ta hiểu ngôi trường tốt nhất ở đây sẽ là ngôi trường như thế nào? Có các tiêu chí nào để qua đó xếp loại đâu là ngôi trường tốt nhất ? Tại sao rất nhiều phụ huynh học sinh chỉ muốn cho con vào ngôi trường đó học? Còn các ngôi trường còn lại xung quanh thì sao?
Với các nhà lãnh đạo và quản lý, đây là một vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ, để qua đó nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng của các trường học được đồng đều hơn nữa. Theo thông tin được nhà trường Tiểu Học Vạn Bảo đưa ra: Học sinh theo học trường này phải đóng học phí với mức trung bình 3,3 triệu đồng/tháng (không bao gồm tiền ăn bán trú, đồng phục, câu lạc bộ ngoài giờ...). Mà số lượng phụ huynh học sinh đăng kí vẫn là rất nhiều, vậy thì bài toán kinh tế với phụ huynh học sinh chưa phải là vấn đề quan trọng. Cái quan trọng hơn là con họ được học ở một môi trường tốt. Chỉ cần trường tốt thì phụ huynh học sinh hầu như sẽ không tiếc tiền của, công sức để đầu tư cho con.
Đỗ Hợp (ghi)