
Một cảnh phim, một ký ức
Tối hôm trước, tôi dành thời gian xem trọn các phần bộ phim " Sex Education" - một tác phẩm nổi tiếng trên Netflix từng gây nhiều tranh cãi nhưng thực chất lại chứa đựng những bài học rất thiết thực cho các bậc phụ huynh.
Trong phim, có một chi tiết nhỏ mà tôi đặc biệt chú ý. Cậu bé Otis, nhân vật chính, hồi nhỏ thường hay vào nhà vệ sinh, đóng cửa rất lâu. Mẹ của cậu - bà Jean, vốn là chuyên gia tư vấn tâm lý, nhanh chóng nhận ra sự bất thường này.
Thay vì la mắng hay nghiêm khắc cấm đoán, bà Jean chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng. Bà dành thời gian trò chuyện với con, hỏi con đang nghĩ gì, cảm thấy thế nào và từ từ dẫn dắt để Otis hiểu về cơ thể cũng như những thay đổi khi bước vào tuổi mới lớn.
Tôi xem mà chợt giật mình nhớ lại chuyện của con trai mình cách đây không lâu. Hôm ấy, con vào nhà vệ sinh rất lâu mà không chịu ra. Tôi sốt ruột gõ cửa, con nói: "Con đang rửa tay". Thêm vài lần khác cũng vậy, con nói: "Con nghịch nước thôi mà". Hay lần khác, tôi thấy con đang tự khám phá cơ thể.

Lúc đó tôi cũng thấy lạ nhưng nghĩ trẻ con ai chẳng vậy, rồi mặc kệ cho qua. Bởi thật lòng mà nói, tôi cũng ngại mở lời về chuyện này với con. Tôi sợ con xấu hổ và không biết nên bắt đầu trò chuyện với con như thế nào.
Chính bộ phim " Sex Education" đã khiến tôi phải nhìn lại cách ứng xử của mình với con. Tôi nhận ra rằng rất nhiều cha mẹ Việt cũng giống tôi - biết rõ con đến tuổi sẽ tò mò về cơ thể nhưng lại né tránh hoặc nói những câu cấm đoán.
Sự thiếu chủ động đó vô tình đẩy con vào thế phải tự tìm hiểu, giấu giếm và dễ tiếp cận với thông tin lệch lạc. Hậu quả là nhiều trẻ lớn lên với tâm lý mặc cảm hoặc nhận thức sai lệch về cơ thể và giới tính.
Bộ phim " Sex Education" không hề dung tục như một số người nghĩ, mà trái lại, nó là lời nhắc cho các bậc phụ huynh hiện đại. Rằng, việc giáo dục giới tính và tâm lý cho con là trách nhiệm cần thiết, nên bắt đầu đúng thời điểm, đúng cách.
Bài học đầy thấm thía cho cha mẹ
Có một thực tế ở nhiều gia đình Việt: giới tính vẫn là đề tài nhạy cảm, khó nói. Cha mẹ thường ngại đề cập, hoặc khi nói thì chọn cách áp đặt, cấm đoán thay vì trò chuyện cởi mở, thấu hiểu.
Phần lớn mọi người đều biết rằng trẻ con đến tuổi dậy thì sẽ bắt đầu tò mò về cơ thể. Thế nhưng, vì ngại ngùng, nhiều bậc cha mẹ chọn cách lờ đi hoặc nghiêm cấm.
Điều này vô tình tạo khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Trẻ sẽ tự tìm hiểu qua bạn bè hoặc Internet - nơi đầy rẫy thông tin sai lệch và hình ảnh độc hại.
Từ câu chuyện của Otis, tôi học được rằng cha mẹ cần chủ động, bình tĩnh và khéo léo khi con bắt đầu có dấu hiệu tò mò về giới tính. Tối hôm đó, tôi quyết định nói chuyện với con. Tôi không trách mắng, cũng không làm con xấu hổ. Tôi chỉ hỏi: "Con có điều gì chưa hiểu về cơ thể hoặc muốn biết thêm không? Nếu cần, bố sẽ giải thích".
Con rụt rè nhìn tôi một lúc rồi gật đầu. Tôi biết mình làm đúng. Sau đó, tôi chỉ cho con cách chăm sóc bản thân, giữ vệ sinh cá nhân đúng cách và nói cho con biết, những thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì là hoàn toàn bình thường.
" Sex Education" chính là lời nhắc cần thiết cho các bậc cha mẹ bận rộn hôm nay. Cha mẹ đừng đợi đến khi sự việc nghiêm trọng mới can thiệp. Việc giáo dục giới tính là một phần tất yếu để con trưởng thành lành mạnh.
Nếu bạn từng giống tôi, từng ngại ngần và né tránh hãy mạnh dạn nói chuyện với con từ hôm nay. Đừng để những điều tưởng nhỏ lại gây hậu quả lớn cho tương lai của trẻ.