Xe bánh mì bán khung giờ đặc biệt ở miền Tây
Chuyện những hàng quán bán đêm cũng không là chuyện xa lạ gì ở TP.HCM, Hà Nội hay những tỉnh thành phố phát triển du lịch. Tuy nhiên ở miền Tây cuộc sống và mọi thứ diễn ra khá êm đềm nên các hàng quán mở buổi đêm là rất ít. Một điểm nhấn trong bản đồ các món ăn đêm ở miền Tây không thiếu được xe bánh mì ma đã tồn tại 30 năm. Nằm ở ngay trung tâm thành phố, đầu hẻm 20, đường Nguyễn Trãi (P.Cái Khế, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), xe bánh mì là địa chỉ yêu thích của "hội cú đêm".
Nếu hỏi người Cần Thơ họ thường ăn khuya ở đâu thì có lẽ nhiều người sẽ chỉ ngay đến xe bánh mì nằm trên đường Nguyễn Trãi. Xe bánh mì không biển hiệu cũng chả có nhiều đồ nghề gì cồng kềnh, chỉ là một xe đẩy nhỏ dài rộng khoảng 1m2 và thêm thùng xốp đựng bánh, bếp than nhỏ nướng thịt. Bởi không có biển hiệu gì nên người dân địa phương đã đặt tên cho quán theo giờ mở bán, người thì gọi là "bánh mì ma", người thì kêu là "bánh mì âm phủ".
Xe bánh mì nhỏ luôn đông người, để có bánh ăn thì bạn phải chờ khảng 15-20 phút.
Và có một điểm lạ khác nữa là xe bánh mì do toàn những người phụ nữ U60 đứng bán giờ khuya. Xe bánh mì do bà Phạm Ngọc Ánh làm chủ (53 tuổi, Cần Thơ). Ban đầu bà đứng bán một mình, về sau mỗi lúc một đông khách nên bà thuê thêm 4 người phụ nữ gần nhà phụ bán. Thế rồi xe bánh mì cứ thế tồn tại 30 năm. Không mở bán vào ban ngày, xe bánh mì chỉ bán từ 22h-24h đến lúc hết bánh thì thôi. Nếu đứng đây bạn sẽ được chứng kiến khung cảnh nhộn nhịp, dòng người dài xếp hàng cùng tiếng ồn ào của người mua và người bán.
Khung cảnh quen thuộc thường thấy ở xe bánh mì, hàng người xếp hàng dài để thưởng thức chiếc bánh mì đặc biệt.
Khi hỏi lí do chọn khung giờ như vậy, cô Ánh cho biết: "Hồi xưa còn bán từ 12h đêm hoặc 1-2 giờ sáng kìa, chứ hồi dịch là chuyển giờ lên bán sớm hơn rồi đó. Bán đêm khuya muộn thì có ảnh hưởng đến sức khỏe chứ, thi thoảng chóng mặt nhưng bán 30 năm rồi riết cũng quen. Với cả muốn bán sớm hơn cũng không được vì chỗ này ca trước là của người khác, mình đến bán sớm thì cũng không có chỗ".
Xe bánh mì nhỏ nhưng có tận 5 “chị em” là hàng xóm cùng bán
Đặc biệt xe bánh mì ở đây nhỏ nhưng có đến 5 người làm, mỗi người một việc, từ nướng thịt, cắt bánh mì, thêm topping theo yêu cầu khách, gói bánh và thu tiền. Đông đúc là vậy nhưng không hề có sự nhốn nháo mà rất theo trình tự để đưa chiếc bánh mì đến tay khách hàng. Cứ đến giờ cao điểm, ai nấy tay làm thoăn thoắt mà vẫn không làm kịp bán.
Xe bánh mì gồm 5 người cùng làm luôn tay luôn chân: một người cắt bánh, một người bỏ topping. một người chan sốt, một người gói, thu tiền và một người nướng thịt.
Trò chuyện cùng cô Ánh về lí do sao lại chọn 4 chị em nối xóm bán cùng, cô cho biết: "Chị em nối xóm lớn tuổi với nhau hết rồi, không có việc gì làm nên mình rủ làm cùng cho có thêm thu nhập đồng ra đồng vào. Với cả cô cũng không muốn mướn người ngoài. Mỗi ngày cứ bán hàng xong là cô đưa tiền công cho mấy cô luôn, hôm nào bán nhiều thì tiền nhiều".
Bán hàng cùng nhau thì chuyện xích mích là điều khó tránh khỏi, cô Ánh cho biết: "Chuyện xích mích rồi quạo là có chứ. Thi thoảng đông khách, khách hối xong toàn người có tuổi rồi nên mệt cũng quạo với nhau nhưng rồi xong là xong chứ không có giận dỗi gì nhau lâu".
Còn về chuyện chuẩn bị nguyên liệu cho xe bánh mì do một mình cô Ánh và con cái trợ giúp: "Việc chuẩn bị mọi thứ mình cô à, làm nhiều nó thành thói quen thôi nên thấy không cực lắm. Mấy cô chỉ phụ cùng cô bán hàng thôi. Đi bán hàng về ngủ nghỉ xong thì cô đi chợ mua đồ và chuẩn bị mọi thứ". Có lẽ, cũng chính vì thế mà các công thức của xe bánh mì ma của cô Ánh vẫn được độc quyền.
Bánh mì nhưng topping y hệt đĩa cơm tấm
Dù chỉ bán khoảng mấy tiếng đồng hồ vào buổi tối muộn nhưng lúc nào xe bánh mì cũng có người đứng vây quanh. Trung bình mỗi đêm, xe bánh mì bà Ánh bán được hơn 400 ổ, mỗi ổ có giá 20.000-25.000 đồng. Bánh nóng giòn, với nhiều nguyên liệu như một đĩa cơm tấm: thịt nướng, xá xíu, thịt nguội, bì, xíu mại, mỡ hành, dưa chua, nước mắm… Tất cả tạo nên một chiếc bánh mì không lẫn bất kì loại bánh mì nào khác. Đặc biệt, phần thịt nướng được làm nóng hổi tại chỗ làm ấm bụng khi đêm xuống.
Chính hương vị cũng như đặc điểm về giờ bán hàng của xe bánh mì đã tạo nên thương hiệu "bánh mì ma" của vùng đất Tây Đô.
Nguyên liệu trong bánh mì bao gồm: thịt nướng, bì, xíu mại, mỡ hành, nước mắm...
Xe bánh mì "ma" không chỉ thu hút giới sành ăn địa phương mà còn thu hút khách du lịch. Về Cần Thơ khá là khó có thể tìm được một tiệm ăn đêm như vậy bởi thường người miền Tây đi nghỉ ngơi rất sớm.
Bánh mì "ma" không phải trở nên hot nhờ tên hay giờ mở cửa gì cả mà tất cả dựa vào chất lượng và hương vị của bánh mì. Chị Hân (Cần Thơ) cho biết: "Nguyên liệu thì giống một đĩa cơm sườn. Mình cũng rất bất ngờ khi nguyên liệu cơm khi kết hợp với bánh mì lại suất xắc đến vậy. Mọi thứ hòa quyện với nhau ăn đậm chất miền Tây".
Ổ bánh mì ở đây không dùng nước tương mà dùng nước mắm pha để hòa quyện nhân bên trong tạo nên hương vị rất đặc biệt.
Suốt gần 30 năm nay, đêm nào bà Ánh cùng 4 chị em hàng xóm và xe bánh mì ở đầu hẻm tạo nên một hình ảnh đặc trưng ở Cần Thơ. Khi hỏi bà Ánh về ý định truyền nghề cho con cháu để duy trì tiếp xe bánh mì này không bà chỉ cười và nói: "Chắc không có ai hết trơn mất, nếu có đứa con dâu để nối thì cũng tốt nhưng mà lại không có".
Dù phải xếp hàng nhưng những thực khách nơi đây đều sẵn sàng đợi tới lượt để được thưởng thức bánh mì trứ danh này. Chị Mỹ Nhàn (thực khách ở Cần Thơ) cho biết: "Mình ăn ở đây cũng được mấy năm rồi, nguyên liệu bên trong như đĩa cơm tấm vậy nên ăn rất chắc dạ. Xe bánh mì lúc nào cũng đông người, có lúc mình phải đợi đến 30 phút mới có bánh cầm trên tay".
Bánh mì “âm phủ” nơi đây đã góp phần tô sắc thêm cho văn hoá ẩm thực ban đêm của mảnh đất Tây Đô. Xe bánh mì còn được gọi bằng các cái tên khác như: bánh mì âm phủ, bánh mì cây bã đậu...
Bánh mì "ma" là món ăn khuya quen thuộc của người Cần Thơ.