Liên quan đến các chính sách miễn, giãn, giảm thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp tục được thực hiện trong năm 2023, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra đến nay, nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí đã được ban hành và thực thi.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, với các chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, gia hạn thời gian nộp thuế, giảm tiền thuê đất, giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu…, tổng mức hỗ trợ đã lên tới 233.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng cho biết, đây là mức chưa từng có tiền lệ, điều này đã góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tăng sức chống chịu, hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế.
Đối với năm 2023, dự kiến tình hình có cả những thuận lợi và khó khăn, thách thức, ngay từ những tháng cuối năm 2022, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chuẩn bị, nghiên cứu đề xuất một loạt các giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã có kiến nghị, báo cáo Chính phủ về việc xem xét quyết định giãn, hoãn thời gian nộp một số khoản thuế, đề xuất tiếp tục thực hiện giảm tiền thuê đất, tiếp tục thực hiện việc giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu…
Chính sách hỗ trợ thuế 2023 tương tự như 2022
Về cơ bản, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, các chính sách về thuế, phí, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong năm 2023 sẽ tương tự các chính sách áp dụng trong năm 2022.
Mặc dù có một số điều chỉnh như: Điều chỉnh về mặt hàng được giảm thuế, về mức giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu khác năm 2022, song Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định tinh thần là các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vẫn được duy trì.
Đồng thời, các kịch bản khác cũng được chuẩn bị sẵn sàng nếu tình hình năm 2023 có những diễn biến mới, cần có sự tác động, hỗ trợ từ chính sách tài khóa. Cùng với đó, Chính phủ cũng phối hợp điều hành nhịp nhàng chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để đảm bảo cân đối vĩ mô, ổn định và phát triển nền kinh tế.
Trước đó, nhiều hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực vừa đồng loạt gửi văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% tới hết năm 2023, thay vì kết thúc vào cuối năm nay.
Theo Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM (FFA), ở thời điểm này các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, dễ bị tổn thương và tình hình chưa thực sự ổn định. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, Hiệp hội FFA kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% đến 31/12/2023.