Trong những năm vừa qua, nhu cầu về ô tô điện trên toàn cầu đã tăng đáng kể, đặc biệt là tại Trung Quốc khi chính phủ nước này từng có những chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp này. Nhờ đó, hàng loạt hãng xe điện tại nước này nổi lên, cạnh tranh trực tiếp với những gã khổng lồ như Tesla, BMW hay Volkswagen.
Trong số đó, BYD Auto (Build Your Dreams – Xây giấc mơ của bạn) đã tận dụng được lợi thế của mình và trở thành công ty sản xuất xe điện hàng đầu thế giới vào năm 2022. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số những mảng kinh doanh thuộc tập đoàn BYD vốn đang rất thành công trong nhiều năm trở lại đây.
Được thành lập từ năm 1995, BYD tập trung vào phát triển các loại phương tiện chạy bằng điện như ô tô, xe buýt, xe đạp, xe tải điện, đồng thời cũng phát triển tấm năng lượng mặt trời và pin sạc (dành cho điện thoại di động và các loại xe).
Trước khi được biết đến như là một nhà sản xuất xe điện, BYD đã có bước phát triển thần tốc để trở thành nhà sản xuất pin sạc lớn nhất Trung Quốc cũng như thứ 4 thế giới và được Bloomberg vinh danh về sự tiến bộ vào năm 2010. Sau đó, dưới sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc, công ty bắt đầu chuyển sang mảng sản xuất xe điện và đạt được nhiều thành công đáng kể.
Cũng trong năm 2010, công ty nằm trong top 10 doanh nghiệp sáng tạo hàng đầu thế giới của BusinessWeek, nhờ những cải tiến đột phá trong việc phát triển pin sạc. BYD cho thấy sự chủ động hoàn toàn trong việc kiểm soát chuỗi cung ứng, đặc biệt là với các loại pin dành cho xe điện của họ.
Hình ảnh một nhà máy sản xuất pin của BYD (Ảnh: YicaiGlobal)
Hiện tại, BYD Auto và BYD Electric là hai công ty con lớn nhất và được biết tới nhiều nhất thuộc tập đoàn này. Trong đó, mảng ô tô của công ty đã tương đối phát triển từ nhiều năm về trước, khi họ đưa tới khách hàng gần 450 nghìn xe trong năm 2009 với chiếc F3 đứng đầu bảng xếp hạng về số lượng bán được.
Đồng thời, công ty bắt đầu mở rộng thị trường của mình sang những thị trường khác như Trung Á, Nam Mỹ và châu Phi. Năm 2012, chính quyền thành phố Thâm Quyến thậm chí đặt hàng BYD 500 chiếc E6 để làm taxi công cộng tại đây, đánh dấu một bước tiến lớn trong quá trình phát triển của công ty.
Tuy nhiên, sự phát triển của BYD đã chậm lại trong vài năm tiếp theo từ 2017, khi Trung Quốc bắt đầu giảm bớt các khoản hỗ trợ cho những công ty sản xuất xe điện.
Dù vậy, BYD vẫn tiếp tục nghiên cứu và phát triển nhiều dòng xe điện mới, đồng thời cũng mở rộng việc bán ô tô tại nhiều thị trường mới, trong đó có khu vực châu Âu. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin lớn vào BYD, khi tính đến cuối năm 2021, Beskshire Hathaway, Vanguard Group và BlackRock vẫn là 3 trong số những cổ đông của tập đoàn này. Tháng 2 năm 2022, BYD là công ty sản xuất 5 trong số 10 dòng ô tô điện bán chạy nhất toàn cầu, cho thấy vị thế của họ không hề suy giảm.
50% trong top 10 xe bán chạy nhất tháng 2 năm 2022 thuộc về BYD (Ảnh: CleanTechnica, nguồn: EV Volumes)
Tháng 4 cùng năm, công ty tuyên bố sẽ dừng sản xuất các loại xe chạy xăng để dồn toàn lực vào phát triển ô tô điện. Chỉ 2 tháng sau, BYD đưa ra thông báo đã bán được tổng cộng 641.000 chiếc xe trong nửa đầu năm, vượt qua Tesla để trở thành công ty sản xuất ô tô chạy điện lớn nhất thế giới.
Cổ phiếu của BYD tại thời điểm này tăng lên tới 47.5 USD/ cổ phiếu, gần chạm mức đỉnh 47.7 USD mà họ đạt được vào cuối năm 2021. 2022 thực sự đã đánh dấu một cột mốc đáng nhớ đối với BYD, khi họ dự kiến đạt doanh thu trên 50 tỷ USD (+51.12% so với năm trước) cùng mức lợi nhuận 2.05 tỷ USD (gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021).
Trong năm 2023, công ty dự kiến sẽ xuất khẩu những chiếc xe của mình tới thị trường Nhật Bản và Thái Lan, tiếp tục công cuộc mở rộng việc bán hàng trên toàn cầu.
Mẫu xe Atto 3 được dự kiến bán ở Nhật Bản trong năm nay của BYD (Ảnh: Athit Perawongmetha/ Reuters)
Bên cạnh việc sản xuất xe điện, BYD cũng được biết tới như là một trong những công ty lắp ráp sản phẩm Ipad hàng đầu của Apple. Trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, BYD đã mở một nhà máy lắp ráp sản phẩm này tại Phú Thọ, Việt Nam vào năm 2022 cho kế hoạch hai giai đoạn với tổng mức đầu tư dự kiến vào khoảng 270 triệu USD.
Tới đầu năm 2023, BYD tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, dự kiến vào khoảng trên 250 triệu USD, nhằm sản xuất phụ tùng dành cho xe điện, song chưa có thông tin cụ thể. Bên cạnh việc sản xuất, đây cũng có thể là bước đi tiếp theo của công ty phục vụ việc thâm nhập vào thị trường nước ta.
Sau BOE, BYD là công ty Trung Quốc tiếp theo được dự kiến sẽ đầu tư vào Việt Nam nhằm mở rộng việc sản xuất ra ngoài lãnh thổ đại lục, khi mà các lệnh cấm của Mỹ đối với nước này vẫn chưa được dỡ bỏ.
Nhà máy hiện tại của BYD tại Việt Nam (Ảnh: Facebook BYD VN)
Việc BYD mong muốn mở nhà máy tại Việt Nam là cơ hội lớn cho nước ta khi tiếp tục nhận được nguồn vốn từ nước ngoài, đồng thời tạo thêm công việc cho lao động trong nước. Song song với đó, đây cũng là thách thức lớn, đặc biệt với Vinfast, khi sản phẩm của BYD cạnh tranh trực tiếp với nhà sản xuất này. Việc mở nhà máy dành cho sản xuất phụ tùng xe điện sẽ là bước đầu tiên trong việc tiếp cận khách hàng tại thị trường vô cùng tiềm năng tại Việt Nam của BYD.