Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 dự kiến trình tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 26/4 tới. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông là 24/3.
Đặt kế hoạch có lãi hơn trăm tỷ năm 2023
Năm 2023, HBC đặt mục tiêu doanh thu 12.500 tỷ đồng, giảm 11,5% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng 125 tỷ đồng, cao hơn nhiều khoản lỗ sau thuế 1.141 tỷ đồng kỷ lục năm ngoái.
Nhìn lại năm 2022, trong riêng quý IV, HBC đã báo lỗ ròng 1.202 tỷ, cùng kỳ năm 2021 có lãi 18 tỷ đồng. Nguyên nhân do kinh doanh dưới giá vốn, lỗ từ việc bán các khoản đầu tư đồng thời chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp đều tăng đột biến so với cùng kỳ, chủ yếu do tăng chi phí trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi (359 tỷ).
Kết quả thua lỗ quý IV đã kéo HBC phải báo lỗ cả năm 2022 là 1.141 tỷ đồng. Doanh thu thuần năm ngoái đạt 14.123 tỷ, tăng 24% so với 2021.
Xây dựng Hoà Bình thua lỗ trong bối cảnh ngành xây dựng khó khăn khi thị trường bất động sản gần như nguội lạnh. Đối thủ của Xây dựng Hoà Bình là Coteccons cũng phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi từ các khách hàng hơn nghìn tỷ cuối năm 2022 và cũng là tác nhân chính khiến tập đoàn thua lỗ trong nhiều quý.
Khó khăn không chỉ xuất phát từ bên ngoài mà nội tại doanh nghiệp cũng xảy ra cuộc nội chiến giữa nhóm ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú xoay quanh chiếc ghế Chủ tịch.
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), năm 2023, xây dựng dân dụng sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường bất động sản. Hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng dự báo vẫn ở mức thấp.
Bên cạnh đó, tình hình cạnh tranh giữa các nhà thầu xây dựng dự báo vẫn gay gắt bởi nhu cầu xây dựng thấp nên các nhà thầu có áp lực nhận thầu bằng mọi giá để duy trì bộ máy.
Thị trường xây dựng dân dụng cũng đã có sự phân mảnh hơn sau sự chia tác nội nộ của Coteccons. Nhiều doanh nghiệp từ người cũ của Coteccons (Ricons, Central, Newtecons,…) đã gia tăng quy mô hoạt động và đấu thầu các dự án.
Ngoài ra, chủ đầu tư các dự án quy mô lớn (đại đô thị, khu phức hợp),… có xu hướng sử dụng dịch vụ của nhiều nhà thầu tại các phân khu, gói thầu khác nhau. Điều này giúp gia tăng cơ hội cho các nhà thầu tham gia vào các dự án quy mô lớn, nhưng vị thế đàm phán và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng dự kiến sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, VCBS nhân định.
Theo các chuyên gia, trong năm 2023, các doanh nghiệp bất động sản gặp áp lực lớn từ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp và việc bán hàng, chuyển nhượng dự án cũng gặp bất lợi. Vì vậy, chủ đầu tư có thể thiếu hụt về dòng tiền, ảnh hưởng đến khả năng và tiến độ thanh toán cho nhà thầu.
VCBS đánh giá khó khăn trong thu hồi công nợ sẽ ảnh hưởng lớn đến vị thế tài chính và thanh khoản của các doanh nghiệp xây dựng khi phần lớn các nhà thầu phải sử dụng nợ vay để tài trợ cho hoạt động thi công.
Nội chiến HBC đã đi đến hồi kết
Liên quan đến vấn đề nhân sự, ngày 27/2, HĐQT HBC cũng đã thông qua việc rút đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và tư cách thành viên HĐQT của ông Lê Viết Hải. Đồng thời thông qua việc hủy nghị quyết số 50 và 51/2022 ngày 14/12/2022 và nghị quyết số 52/2022 ngày 31/12/2022. Ba nghị quyết này đều liên quan đến mâu thuẫn nội bộ giữa nhóm ông Lê Viết Hải và nhóm ông Nguyễn Công Phú.
Cách đây không lâu, HĐQT HBC cũng đã thông qua việc chấp thuận đơn từ nhiệm chức vụ thành viên độc lập HĐQT của ông Nguyễn Công Phú kể từ ngày 13/2.
Đồng thời, HĐQT cũng chấp nhận việc ông Phú uỷ quyền cho Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải tham dự, thảo luận, biểu quyết tại tất cả cuộc họp, lấy ý kiến biểu quyết bằng văn bản hoặc hình thức khác của HĐQT. Đơn xin từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT của ông Phú sẽ được xem xét thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Điều này đồng nghĩa, cuộc nội chiến giữa hai thế lực nhóm ông Lê Viết Hải và nhóm ông Nguyễn Công Phú đã đi đến hồi kết.