Doanh nghiệp

"Shark" Thủy kêu gọi nhà đầu tư góp thêm tiền cứu Apax Leaders

Trong cuộc họp trực tuyến chiều qua, ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Egroup, đích thân kêu gọi nhà đầu tư góp tiền hỗ trợ quá trình khôi phục hệ thống trung tâm dạy tiếng Anh Apax Leaders. Công ty lập riêng một tài khoản để nhận tiền ủng hộ. Số tiền đóng góp được lập thành hợp đồng cho vay với thời hạn tối đa 13 tháng, lãi suất 8% một năm. Toàn bộ nguồn tài chính này sẽ được ban kiểm soát do các cổ đông lập nên, kiểm tra và quản lý. Đại diện ban kiểm soát cổ đông cho biết sẽ đứng ra giám sát để công ty chỉ dùng tiền cho kế hoạch khôi phục trung tâm, không dùng vào việc chi trả các khoản nợ cũ.

Tính đến đầu giờ chiều 27/2, đại diện Apax Leaders cho VnExpress biết đã huy động hơn 2 tỷ đồng. Thống kê của công ty cho thấy hiện có khoảng 700 nhà đầu tư ủng hộ kế hoạch tái cấu trúc.

Lời kêu gọi của ông Nguyễn Ngọc Thủy đưa ra trong bối cảnh hệ thống trung tâm Anh ngữ này liên tục gặp khó về dòng tiền. Cuối tháng 11 năm ngoái, sau nhiều lùm xùm nợ lương và bảo hiểm nhân viên, chất lượng giảng dạy đi xuống và chậm trả lãi đầu tư, Apax Leaders lập kế hoạch tái cấu trúc, tập trung tối ưu các chi phí về mặt bằng và vận hành, dồn mọi nguồn lực nâng cao chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên trong ba tháng qua, công ty vẫn không có tiền trả cho chủ mặt bằng và nhân viên, dẫn đến giáo viên và học sinh "bị đuổi" khỏi trung tâm, phụ huynh và nhà đầu tư liên tục biểu tình đòi quyền lợi, nhân viên liên tiếp nghỉ việc.

Cách đây nửa tháng, toàn hệ thống còn 37 trung tâm tiếng Anh được tự đánh giá là "tiềm năng" khi còn nhiều học sinh và giảng viên, chi phí khôi phục thấp. Ngoài ra, Apax Leaders còn 18 trung tâm có tiềm năng tương tự nhưng cần nhiều tiền hơn để hồi phục. Cuối cùng là nhóm 20 trung tâm khác bị đóng cửa, buộc phải "xây lại từ đầu" với chi phí lớn.

Để khôi phục Apax Leaders, công ty bổ nhiệm ông Nguyễn Anh Tuấn làm tổng giám đốc hồi cuối tháng 1. Ông Tuấn là một trong những lãnh đạo giữ vai trò quan trọng giúp gây dựng hệ thống Apax Leaders từ những ngày đầu đến khi trở thành hệ thống Anh ngữ có hơn 130 trung tâm với thị phần lớn trên cả nước.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - CEO Apax Leaders (bên trái) và ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Egroup (bên phải), trong buổi họp cổ đông trực tuyến chiều 26/2. Ảnh: IBC

Ông Nguyễn Anh Tuấn - CEO Apax Leaders (bên trái) và ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Egroup (bên phải), trong buổi họp cổ đông trực tuyến chiều 26/2. Ảnh: IBC

Nói về kế hoạch tài chính sắp tới của Apax Leaders, ông Tuấn khẳng định ban lãnh đạo không chỉ kêu gọi nhà đầu tư góp thêm tiền để "giải cứu", mà đã nắm chắc giải pháp khôi phục cho các trung tâm có tiềm năng. "Còn địa điểm, còn học sinh, còn giảng viên, kiểu gì tôi cũng chiến đấu được", ông khẳng định.

Lãnh đạo này lấy ví dụ, trung tâm ở Thủ Đức (TP HCM) dù xếp cuối theo phân loại của ban lãnh đạo, vẫn sở hữu 1.600 học sinh trước khi đóng cửa. Nếu thu phí hai triệu đồng mỗi học sinh, mỗi tháng sau khi trừ chi phí vẫn lãi khoảng 3,5 tỷ đồng. Nếu huy động đủ 150 tỷ đồng và các trung tâm có thể tự "sống" sau đó, Apax Leaders sẽ lấy lại phong độ như năm 2018.

Tuy nhiên, kế hoạch tái cấu trúc đang không như ý muốn. Trong tuần cuối tháng 2, hệ thống dạy tiếng Anh này mất đi 10 trung tâm. Tổng cộng từ tháng 12/2022 đến nay, công ty đóng cửa 21 trung tâm do chủ nhà thanh lý mặt bằng. Hiện tại Apax Leaders có 18 điểm dạy học, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy cho biết, trung tâm này đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa vì không đủ tiền thuê mặt bằng. Đến ngày 28/2, nếu công ty không huy động đủ khoảng 5 tỷ đồng, Apax Leaders sẽ phải dừng hoạt động trung tâm Phan Xích Long và Times City (Hà Nội), đồng nghĩa mất toàn bộ mặt bằng miền Nam và trọng điểm khu vực Hà Nội.

"Không thể chậm trễ hơn được nữa vì câu chuyện hiện giờ không chỉ mất một vài trung tâm, mà là mất tất cả những gì còn lại của Apax và khả năng phục hồi lại sẽ rất khó", Chủ tịch Egroup nói.

Quản trị viên một nhóm gần 700 nhà đầu tư Egroup cho rằng, công ty đang "cố làm theo kiểu còn nước còn tát". Xét về mặt truyền thông, đây là cách hiệu quả để xoa dịu cổ đông và thể hiện công ty đang cố gắng bằng mọi cách có thể.

"Apax Leaders trước mắt có thể kêu gọi được vài tỷ đồng, nhưng chỉ là muối bỏ bể và không hiệu quả vì theo tôi, phần lớn cổ đông không muốn ủng hộ tiền, nếu có cũng không còn tiền để ủng hộ", người này nêu quan điểm.

Báo cáo tài chính quý IV/2022 ghi nhận Apax Holdings (IBC) - sở hữu Apax Leaders và cũng là công ty con của Egroup, đang có khoảng 1.915 tỷ đồng vay nợ tài chính. Tỷ lệ vay và nợ thuê tài chính trên vốn chủ sở hữu hơn 1,2 lần. Gánh nặng trên khiến doanh nghiệp của ông Nguyễn Ngọc Thủy phải trả trung bình gần nửa tỷ đồng chi phí tài chính mỗi ngày trong năm ngoái, chủ yếu là chi phí lãi vay.

IBC không thuyết minh rõ cơ cấu vay nợ tính đến cuối năm. Trong khi đó, ở báo cáo tài chính bán niên, doanh nghiệp này liệt kê gồm vay ngân hàng, trái phiếu và hợp đồng vay với các cá nhân. Trái phiếu là kênh huy động vốn chính, chiếm hơn 60% cơ cấu.

Theo thông tin công bố từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, hệ sinh thái của Egroup có 6 lô trái phiếu còn hiệu lực do các công ty con Apax Holdings, Apax Leaders và Igarden phát hành. Tổng giá trị các lô hơn 1.340 tỷ đồng, đa số có lãi suất 12-12,5% một năm.

Từ khi lên tiếng việc chậm trả lãi vào cuối tháng 11/2022, Egroup vẫn chưa thể thanh toán tiền mặt cho nhà đầu tư. Hồi đầu năm, hệ sinh thái của ông Nguyễn Ngọc Thủy gửi thư ngỏ xin gia hạn thỏa thuận thêm 36 tháng với lãi suất cố định 13% một năm.

Gần đây, ban lãnh đạo Egroup đưa ra hai phương án. Thứ nhất, góp thêm vốn trở thành "cổ đông cao cấp", trực tiếp tham gia vào quá trình vận hành. Thứ hai, nhà đầu tư có thể đổi nợ lấy bất động sản, có bù trừ thêm vì giá trị bất động sản cao hơn khoản nợ. Tùy theo quy mô khoản nợ mà Egroup sẽ đưa ra rổ hàng có giá trị tương ứng để nhà đầu tư lựa chọn hoán đổi.

Một nhà đầu tư tại Hà Nội yêu cầu giấu tên, cho rằng dù theo phương án nào, nhà đầu tư vẫn phải bỏ thêm tiền. Theo danh sách các lô đất mà nhân viên kinh doanh phía Egroup giới thiệu đến nhà đầu tư này, các mảnh đất đều có giá 6-16 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở Thanh Hóa, Hà Nội. Người này cho biết bản chất nhà đầu tư không phải "cấn nợ" trực tiếp từ bất động sản của chính Egroup mà là đang mua sản phẩm từ công ty địa ốc thứ ba. Egroup kết hợp với các công ty bất động sản để "đẩy hàng".

Nếu đồng ý với phương án này, khoản Egroup nợ các nhà đầu tư sẽ được chuyển đổi thành công nợ giữa Egroup và công ty địa ốc, số tiền nhà đầu tư bù thêm sẽ được chuyển trực tiếp cho công ty bất động sản thứ ba. Từ đó, Egroup giải quyết được nợ với nhà đầu tư, các công ty bất động sản có thêm nguồn tiền mặt trong bối cảnh "khát" vốn thời gian dài.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm