Thị trường trong nước giảm sang phiên thứ 5 liên tiếp, về sát thời điểm đầu năm, nhịp điều chỉnh này đang lấy đi của thị trường gần 74 điểm, tương đương giảm 6,76% còn 1.021,25 điểm. Đà giảm diễn ra trong bối cảnh khối ngoại quay đầu bán ròng ở hai tuần trở lại đây sau nhịp bắt đáy thành công hồi tháng 10.
Thanh khoản trên toàn thị trường đạt 10.690 tỷ đồng, tăng 17,2% so với mức bình quân của tuần trước.
Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán ngày 28/2:
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
VN-Index tiếp tục trải qua một nhịp giảm điểm giằng co với biên độ mở rộng. Áp lực bán chủ động gia tăng về cuối phiên khiến cho chỉ số đánh mất điểm đỡ gần quanh 1.03x, hiện đã đảo vai trò là vùng kháng cự gần.
Với xu hướng giảm điểm trong trung hạn vẫn đóng vai trò chủ đạo, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh giằng co với vùng hỗ trợ kế tiếp được đặt quanh 1.010 (+-5). Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ vị thế trading trong các nhịp hồi sớm và đưa tỷ trọng về mức an toàn.
Chứng khoán BIDV (BSC)
Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 17/19 ngành giảm điểm, trong đó giảm mạnh nhất là hàng cá nhân & gia dụng, bán lẻ, dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản.
Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này tiếp tục chuỗi bán ròng trên sàn HOSE và chỉ mua ròng rất ít trên sàn HNX. Thị trường đang khá rủi ro với biên độ giao động lớn. Nhà đầu tư nên cẩn trọng trong những phiên giao dịch tiếp theo.
Chứng khoán MB (MBS)
Thị trường giảm liền 5 phiên và để mất 6,76% giá trị, trong khi đó nhóm cổ phiếu VN30 và midcap giảm nhiều hơn khi lần lượt sụt 8% và 9,2%, riêng nhóm cổ phiếu smallcap sụt 5,89% nhờ dòng tiền vẫn hoạt động mạnh ở nhóm cổ phiếu đầu cơ.
Thị trường chung điều chỉnh bình thường trong ngắn hạn tuy vậy nhiều nhóm cổ phiếu có mức giảm mạnh hơn, tập trung ở nhóm midcap và VN30. Điều này có nghĩa là nhiều cổ phiếu đã và đang giảm về vùng hỗ trợ, trong khi VN-Index chưa về ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm như kỳ vọng của nhà đầu tư hiện nay.
Hiện thị trường trong nước không có thông tin hỗ trợ, chứng khoán thế giới có thể hồi phục trước kỳ họp 22/3 của Fed, do vậy thị trường có thể chững đà giảm khi các cổ phiếu đã về ngưỡng hỗ trợ mạnh.
Về kỹ thuật, phản ứng ở mốc 1.000 điểm có thể là điểm tựa cho thị trường trong các phiên sắp tới, nhiều khả năng thị trường sẽ có nhịp hồi khi retest ngưỡng hỗ trợ này. Nhà đầu tư có thể chú ý các nhóm cổ phiếu như đầu tư công, dầu khí, sản xuất điện, … để cơ cấu hoặc bắt đáy cho danh mục ...