Khi ngành công nghiệp vận tải được phép hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ dịch COVID-19, không chỉ các doanh nghiệp vận tải mà cả những cá nhân mưu sinh bằng nghề vận tải riêng lẻ đều vui mừng khôn xiết.
Song, niềm vui chưa "tày gang", nhóm người mưu sinh bằng nghề vận tải lại "đau đầu" bởi sự ảnh hưởng từ việc xăng dầu tăng giá. Đơn cử như tài xế xe ba gác (còn gọi là xe chở đồ).
Ghi nhận của phóng viên những ngày qua tại những khu vực tập trung nhiều xe chở hàng như bến xe khách Mỹ Đình, đường Lương Thế Vinh (quận Nam Từ Liêm)... xe ba gác chở đồ xếp hàng dài. Riêng chủ các xe ba gác thì thẫn thờ, chờ một cuộc gọi từ khách hàng.
Trong bối cảnh xăng dầu tăng giá, ông Kỷ loay hoay tìm cách bám trụ với nghề vận chuyển. Ảnh: Mỹ Duyên
Vừa xếp chiếc xe ba gác cũ kỹ vào bên hông bến xe Mỹ Đình, ông Bùi Văn Kỷ (50 tuổi) lại mang chiếc võng ra trải giữa khoang xe, ngồi vắt vẻo.
Nhắc đến thu nhập, ông Kỷ chỉ biết lắc đầu, chép miệng. Bởi đã 2 ngày qua, ông chưa nhận được đơn hàng nào để vận chuyển.
Ông Kỷ cho biết: "Trực ở khu vực bến xe này, đơn hàng chủ yếu là vận chuyển đồ cho khách trong bến xe, hoặc người chuyển nhà trọ. Trong đó, một bộ phận khách hàng của tôi là sinh viên nhưng bây giờ, các cháu chưa lên thành phố. Cộng thêm giá nhiên liệu tăng cao, tài xế chúng tôi chỉ biết động viên nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này".
Theo ông Kỷ, từ khi bước vào giai đoạn "bình thường mới", các chuyến hàng thưa dần, thu nhập thấp hơn và chi tiêu cũng vì thế mà "căn cơ" hơn.
"Đơn cử như tháng 2/2022, tôi trầy trật cũng cố gắng có được mức thu nhập hơn 6 triệu đồng. Số tiền này cộng thêm khoản thu hàng ngày từ quầy trà đá của vợ tôi thì cũng đủ để hai vợ chồng sống qua ngày", ông Kỷ cho hay.
Do dịch COVID-19 kéo dài cộng thêm xăng dầu tăng giá, khiến cuộc sống của anh Tám càng “chật vật” hơn. Ảnh: Hồ Thành
Tương tự, anh Dương Văn Tám (35 tuổi, Hà Đông) mưu sinh bằng công việc vận chuyển gần 6 năm nhưng từ khi giá xăng tăng, anh Tám càng làm càng thấy lỗ. Bởi xe chạy xe tìm khách thì tiêu hao nhiều nhiên liệu.
Anh Tám cho biết: "Trước khi chưa có dịch COVID-19, một ngày xe ba gác của tôi chạy được 4 - 5 chuyến, mỗi chuyến dao động từ 100.000 - 400.000 đồng, tùy địa điểm nhưng bây giờ, đơn hàng ít hơn, có khi vài ngày mới có một đơn hàng nhưng cũng có ngày tôi không chạy được chuyến xe nào".
Mặc dù giá xăng dầu đều tăng và không ít tài xế xe ba gác đã tự điều chỉnh giá cước trên mỗi đơn hàng nhưng riêng anh Tám chưa có ý định điều chỉnh giá cước. Bởi là người mưu sinh nhiều năm bằng nghề này, khách hàng của anh Tám chủ yếu là khách quen nên việc giữ giá không những có thêm chuyến hàng, mà còn giữ chân khách hàng.
Do dịch COVID-19 kéo dài cộng thêm giá nhiên liệu tăng cao, khiến cuộc sống của anh Tám càng "chật vật" hơn. Ảnh: Hồ Thành
Ông Nguyễn Văn Lâm (55 tuổi, quê ở Thái Thụy, Thái Bình) cũng không khá hơn.
Ông Lâm có thâm niên gần 20 năm chạy xe ba gác tại khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm nhưng từ khi giá xăng dầu tăng, ông Lâm như ngồi trên đống lửa vì phải căn cơ chi tiêu.
Vừa tấp chiếc xe ga bác lên khu đất trống bên cạnh đường Lương Thế Vinh (quận Nam Từ Liêm), ông Lâm hớt hải: "Khi chưa có dịch, tháng nào tôi cũng cầm chắc 10 – 15 triệu/tháng. Số tiền này không chỉ đủ chi trả các phí sinh hoạt ở Hà Nội mà tôi còn có thể tiết kiệm được một khoản dự phòng cho bản thân. Con cái lớn hết rồi nên tôi không phải lo nữa. Vừa rồi tôi bị mắc COVID-19, ngoài sự hỗ trợ của con cái thì khoản dự phòng tích cóp từ trước cũng bắt đầu dùng đến, tôi yên tâm phần nào nhưng sắp tới, nếu giá nhà trọ và chi phí sinh hoạt tăng cao, có thể tôi sẽ vất vả hơn".
"Nếu tình trạng này kéo dài, chắc tôi buộc phải bỏ nghề và chuyển sang nghề khác để kiếm sống", ông Lâm với tâm trạng "thấp thỏm" chia sẻ.
Ông Đông ngồi một chỗ cố định thay vì chạy xe lòng vòng tìm khách. Ảnh: Mỹ Duyên
Cùng tư tưởng chuyển nghề với ông Lâm, ông Đặng Văn Đông (54 tuổi, Thanh Trì) cho biết, gần 30.000 đồng/lít xăng, để đổ đầy bình xăng xe ba gác hết khoảng 350.000 - 450.000 đồng. Trong khi trước đó, giá xăng chưa lên, 1 bình xe ba gác chỉ hết khoảng 250.000 - 300.000 đồng là đầy bình.
"Bây giờ, mỗi lần đi đổ xăng chúng tôi lại "tiêu tốn" thêm 3 - 4 bát phở, trong khi lời lãi chẳng được là bao", ông Đông cho hay.