Chứng khoán

Tuần 14 - 18/3: Tổ chức nội bán ròng hơn 1.700 tỷ đồng, tập trung rút khỏi cổ phiếu ngân hàng nhưng mua mạnh nhóm hóa chất

Trong tuần giao dịch 14 - 18/3, diễn biến giảm mạnh của giá dầu đã kéo theo áp lực điều chỉnh không chỉ ở nhóm dầu khí mà còn ảnh hưởng lên tâm lý chốt lời tại nhiều nhóm cổ phiếu hàng hóa khác như phân bón, thép.

VN-Index giảm hơn 20 điểm ngay phiên đầu tuần, sau đó chỉ số đã cân bằng tại vùng 1.435 – 1.440 và bắt đầu diễn biến hồi phục. Sau 4 phiên tăng điểm liên tục, VN-Index đã hồi phục gần 23 điểm, tính cả tuần chỉ số chính sàn HOSE đã tăng 2,56 điểm, tương ứng tăng 0,17% so với tuần trước, lên mốc 1.469,1 điểm.

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 22.650 tỷ đồng, giảm mạnh 22% so với tuần trước đó và hụt 11% so với mức trung bình trong 5 tuần gần đây.

Dù hồi phục trong 4 phiên cuối tuần nhưng nhiều mã dầu khí như GAS, PVD vẫn chốt tuần trong trạng thái giảm điểm. Trong đó GAS giảm 3,5% và là mã tác động tiêu cực nhất lên VN-Index, các mã còn lại trong nhóm ảnh hưởng kém sắc gồm DCM, DPM, HPG, GVR, PLX.

Sau nhiều tuần giao dịch lình xình, nhóm ngân hàng bất ngờ trở lại hỗ trợ chỉ số với loạt cổ phiếu tăng điểm gồm BID, CTG, MBB, STB, VCB, nhóm này đã giúp VN-Index hồi phục 5 điểm trong tuần.

Thống kê giao dịch của tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh công ty chứng khoán), họ bán ròng tổng cộng 1.727 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ rút ròng 307 tỷ đồng.

Tuần 14 - 18/3: Tổ chức nội bán ròng hơn 1.700 tỷ đồng, tập trung rút khỏi cổ phiếu ngân hàng trong khi mua ròng mạnh nhóm hóa chất - Ảnh 1.

Giá trị giao dịch của tổ chức trong nước trong tuần 14 - 18/3. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Cổ phiếu hóa chất trở lại hút tiền, nhóm ngân hàng bị bán ròng mạnh nhất

Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều bán ròng của các tổ chức trong nước áp đảo khi diễn ra ở 11/18 nhóm ngành.

Mặc dù là nhóm tác động tích cực nhất đến chỉ số, cổ phiếu của các nhà băng vẫn là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tuần với 246 tỷ đồng, dù tuần trước đó nhóm này vẫn được mua ròng gần 78 tỷ đồng.

Có thể thấy, dòng vốn nội đã chuyển hướng chốt lời cổ phiếu ngân hàng giữa bối cảnh một số cổ phiếu nhóm này vẫn đang biến động trong biên độ hẹp chưa rõ xu hướng.

Tương tự, cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc tiếp tục nằm trong Top bán ròng, dù quy mô rút vốn đã thu hẹp so với tuần trước đó. Tuần qua, tổ chức nội đã bán ròng 158 tỷ đồng ngành bất động sản.

Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là thực phẩm & đồ uống (88 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (85 tỷ đồng), công nghệ thông tin (66 tỷ đồng), bán lẻ (64 tỷ đồng),...

Tuần 14 - 18/3: Tổ chức nội bán ròng hơn 1.700 tỷ đồng, tập trung rút khỏi cổ phiếu ngân hàng trong khi mua ròng mạnh nhóm hóa chất - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của tổ chức trong nước theo nhóm ngành trong 3 tuần gần đây. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu nhóm hóa chất bất ngờ được mua gom nhiều nhất với giá trị 196 tỷ đồng. Có thể thấy dòng tiền tổ chức nội đã chuyển hướng giải ngân vào ngành phân bón, hóa chất sau 2 tuần liên tiếp dòng này dẫn đầu Top bán ròng.

Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân của tổ chức nội cũng được đẩy mạnh ở nhóm điện, nước & xăng dầu khí đốt với 121 tỷ đồng.

Dòng tiền của tổ chức trong nước cũng được duy trì ở các một số nhóm cổ phiếu lớn gồm hàng & dịch vụ công nghiệp (88 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (85 tỷ đồng),...

Tổ chức trong nước tập trung gom ròng DGC, GEX, FLC

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tuần qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào cổ phiếu DGC của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang. Mã này dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất lên tới 194 tỷ đồng.

Vừa qua, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa thông báo đã bán khớp lệnh toàn bộ 6.039.000 cổ phiếu DGC (tỷ lệ 3,53%) của Hóa chất Đức Giang từ ngày 3/3 đến ngày 10/3. Theo đó, Vinachem hoàn tất việc thoái toàn bộ vốn tại Hóa chất Đức Giang.

Trên thị trường chứng khoán, đồ thị giá của DGC đang tích lũy quanh vùng đỉnh lịch sử, vùng cản gần nhất đang là mốc 193.900 đồng/cp. Theo dự báo của các chuyên gia phân tích kỹ thuật, nếu không thể vượt được mức kháng cự này, xu hướng tăng ngắn hạn có thể chững lại và rủi ro ngắn hạn có chiều hướng gia tăng.

Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 179,1 tỷ đồng cổ phiếu GEX của Tập đoàn Gelex. Cùng chiều, dòng tiền tổ chức trong nước cũng thực hiện gom ròng FLC (149,4 tỷ đồng), STB (145,2 tỷ đồng) và GAS (115 tỷ đồng).

Tuần 14 - 18/3: Tổ chức nội bán ròng hơn 1.700 tỷ đồng, tập trung rút khỏi cổ phiếu ngân hàng trong khi mua ròng mạnh nhóm hóa chất - Ảnh 3.

Top5 cổ phiếu NĐT tổ chức trong nước mua/bán ròng khớp lệnh trong tuần 14 - 18/3. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Trở lại chiều bán ròng, danh mục bán ròng của nhà đầu tư cá nhân có sự góp mặt của APH (168,8 tỷ đồng), VIC (124,7 tỷ đồng).

Một số cổ phiếu ngân hàng cũng chịu áp lực chốt lời từ các cá nhân như ACB (124,2 tỷ đồng) và TCB (119,1 tỷ đồng). Đây là hai mã ngân hàng giao dịch tương đối ì ạch trong thời gian gần đây, bất chấp tín hiệu khởi sắc hơn từ BID, STB, CTG,...

Cái tên cuối cùng trong danh mục Top5 bán ròng là VJC với 71,7 tỷ đồng. Tuần qua, cổ phiếu của Vietjet Air có nhịp tăng 7% lên 148.200 đồng/cp. Đặc biệt, trong phiên cuối tuần, hoạt động cơ cấu của các quỹ ETF đã đẩy khối lượng giao dịch của VJC lên hơn 2,4 triệu đơn vị, gấp gần 2,2 lần giá trị trung bình trong 10 phiên gần nhất.

Trái ngược với động thái rút vốn của tổ chực nội, VJC là một trong những cổ phiếu được nước ngoài mua ròng mạnh 124 tỷ đồng trong phiên cuối tuần, lực mua đến từ VanEck Vectors Vietnam ETF.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm