Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 7/6, World Bank (WB) dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022, 2023 tăng trưởng lần lượt 5,8% và 6,5% - mức cao nhất trong các nước Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
Trong tháng 5 vừa qua, Việt Nam ghi nhận điểm sáng từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Theo số liệu của IHS Markit, chỉ số PMI của Việt Nam đạt 54,7 điểm so với mức 51,7 điểm trong tháng 4. Đáng chú ý, đơn đặt hàng mới và đơn hàng xuất khẩu đều tăng nhanh dù có dấu hiệu cho thấy nhu cầu thế giới bị hạn chế bởi các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc.
Sự tích cực của lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam là khá nổi bật nếu so với chỉ số PMI của khu vực và thế giới. So với 4 nước còn lại là Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan, chỉ có PMI sản xuất của Việt Nam tăng nhanh hơn trong tháng 5.
Cũng trong báo cáo, WB cho rằng tăng trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ đạt mức 4,4% vào năm 2022. Ngân hàng này nhận định so với các khu vực khác, Đông Á - Thái Bình Dương cho đến nay ít bị ảnh hưởng hơn bởi tác động lan tỏa từ căng thẳng Nga - Ukraine. Tuy nhiên, tác động của cuộc chiến này lên giá cả hàng hóa và nhu cầu toàn cầu vẫn sẽ kìm hãm đà phục hồi, đặc biệt là ở các nền kinh tế nhập khẩu hàng hóa.
Các chuyên gia của WB cho rằng xung đột Nga - Ukraine kéo dài và bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng có thể làm giảm hơn nữa niềm tin toàn cầu, dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu của khu vực chậm lại so với dự kiến do nhu cầu toàn cầu yếu hơn, chi phí vận chuyển tăng hơn nữa và dòng chảy thương mại bị bóp méo.
Hàng hóa đầu vào thiết yếu bị thiếu hụt có thể làm gián đoạn sản xuất và làm giảm phục hồi, đặc biệt với các nước phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực và nhiên liệu (như Campuchia, Mông Cổ, Philippines, Thái Lan,...)
Hơn nữa, WB cho rằng giá hàng hóa tăng và lạm phát cao hơn dự kiến có thể làm tăng nguy cơ lạm phát kỳ vọng trở thành hiện thực.
Nhận định chung về kinh tế toàn cầu, WB cho rằng nhiều quốc gia sẽ khó thoát suy thoái do các yếu tố rủi ro như xung đột tại Ukraine, phong tỏa tại Trung Quốc, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và rủi ro lạm phát cao - tăng trưởng chậm trên toàn cầu.
WB cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay xuống 2,9%, giảm mạnh so với 5,7% năm ngoái và 4,1% dự báo đầu năm nay.
Tổ chức này không cho rằng thế giới sẽ sớm hồi phục mạnh. Tăng trưởng toàn cầu có thể chỉ quanh 2,9% trong 2 năm tới. Vài năm sau đó sẽ là "thời kỳ lạm phát cao và tăng trưởng trì trệ kéo dài".