Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến nhịp điều chỉnh mạnh của chỉ số cùng sự “cạn kiệt” của thanh khoản trong tháng 4 và 5. Bước sang tháng 6, thị trường trong nước tiếp tục giao dịch tiêu cực cùng chung xu hướng với thị trường tài chính toàn cầu khi những lo ngại về lạm phát gia tăng sau khi báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tại Mỹ tăng nhanh nhất kể từ năm 1981, đạt đỉnh hơn 40 năm với việc giá cả hàng hóa tăng trung bình 8,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính tới hết ngày 24/6, có thể nói thị trường Việt Nam đã ở giai đoạn downtrend (xu hướng giảm) trong dài hạn khi ghi nhận mức giảm hơn 23 % kể từ đỉnh và khoảng 21% kể từ đầu năm 2022.
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về vấn đề “Liệu vùng giá hiện tại của thị trường đã đủ hấp dẫn?”, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Nghiên cứu vĩ mô và Chiến lược đầu tư, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam cho biết phương pháp phổ biến nhất để mà chúng ta xác định xem thị trường có đủ hấp dẫn hay không vẫn là phương pháp P/E.
Mặc dù định giá theo P/E vẫn còn nhiều thiếu sót, nhưng phương pháp này vẫn được sử dụng do tính đáng tin cậy nhất ở thời điểm hiện tại. Với mức P/E forward của VN-Index năm 2022, tức là tính cả lợi nhuận tăng trưởng đâu đó khoảng 15- 20%, thì P/E forward rơi vào khoảng 12 lần. Câu hỏi đặt ra là con số 12 này là đắt hay rẻ?
Ông Đức Anh cho rằng chúng ta cần phải nhìn lại những yếu tố rủi ro đang tác động đến thị trường trong mối tương quan với quá khứ. Ở đây rủi ro lớn nhất có thể xảy đến với thị trường mà chúng ta có thể nhìn thấy được, là rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ.
Như chúng ta đã biết thì thị trường chứng khoán hồi phục rất là tốt từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6, sau khi xuất hiện câu chuyện lạm phát của Mỹ tăng vọt lên 8,6% và Fed nâng lãi suất thêm 0,75%, làm rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ hiện hữu hơn, thì ngay lập tức chứng khoán toàn cầu, cũng như chứng khoán Việt Nam lao dốc.
Vì vậy, rủi ro suy thoái là yếu tố hàng đầu chúng ta cần quan tâm hiện tại. Nếu tham chiếu trong quá khứ, những giai đoạn xảy ra suy thoái kinh tế trầm trọng mà Việt Nam bị ảnh hưởng, chúng ta có thể thấy trước năm 2012 cũng như đầu năm 2020 bởi COVID-19, thì cả hai giai đoạn ấy P/E của thì trường có thể xuống dưới 11 lần, tức là đâu đó khoảng tầm trên 10. So với mức P/E hiện tại 12 thì rõ ràng dư địa để tiếp tục điều chỉnh xuống là có, đây cũng chinh là rủi ro trong kịch bản xấu nhất.
Tuy nhiên, ở kịch bản ngược lại, nếu kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái và đây là kịch bản đang được đánh giá cao hơn bởi các tổ chức tài chính trên thế giới.
“Tôi đã nghiên cứu nhiều thống kê của các tổ chức như Morgan Stanley, Goldman Sachs hay tổng hợp khảo sát của BloomBerg, The Economist. Những thống kê này chỉ ra trong 12 tháng tới xác xuất xảy ra suy thoái kinh tế Mỹ sẽ chỉ là 35%, 65% sẽ không xảy ra suy thoái.
Và trong bối cảnh không xảy ra suy thoái kinh tế, với nội tại tích cực của nền tảng vĩ mô cũng như tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết, thì mức P/E hợp lý của thị trường có thể dao động đâu đó tối thiểu khoảng 16 lần, hoặc nếu những câu chuyện tích cực hơn về nâng hạng thị trường hay thoái vốn cổ phần hóa xuất hiện thì có thể đẩy mặt bằng P/E thậm chí lên 17, 18 hay là 20 lần như chúng ta đã từng chứng kiến giai đoạn cuối năm 2017 đầu năm 2018.
Tựu chung lại, ông Đức Anh nhận định có 2 kịch bản tốt – xấu do chưa thể khẳng định được liệu kinh tế Mỹ có suy thoái hay không? Nhưng dựa vào xác suất 35/65, thì chúng ta có thể thấy với mức P/E quanh 14 lần hiện tại, thì rõ ràng cơ hội đang lấn át rủi ro.
“Rủi ro trong đầu tư chứng khoán lúc nào cũng có, tuy nhiên nếu cân nhắc giữa cơ hội và rủi ro, thì rõ ràng là chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn để có thể tích lũy được những cổ phiếu thực sự tốt ở nền giá hấp dẫn, đặc biệt là thuộc những nhóm ngành tăng trưởng trong dài hạn ở bối cảnh hiện tại”, chuyên gia nhấn mạnh.