Đó là thông tin trong báo cáo đánh giá tiềm năng tài nguyên gió ngoài khơi Việt Nam, do Cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam công bố chiều 18.4 tại Hà Nội. Sự kiện này mở ra hướng phát triển bền vững cho nguồn năng lượng sạch tại Việt Nam, thúc đẩy khai thác và sử dụng hiệu quả điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Việt Nam có tổng tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi có thể đạt tới 1.068 GW
ẢNH: PHAN HẬU
Theo báo cáo, tổng tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể đạt tới 1.068 GW. Trong đó, riêng vùng ven bờ có thể khai thác tới 57,8 GW.
Báo cáo cũng chỉ rõ khu vực có tài nguyên gió lớn nhất để khai thác điện gió ven bờ, gồm: Bạc Liêu Cà Mau: chiếm gần 30% tổng tiềm năng ven bờ (công suất tiềm năng ước tính 16 GW); Ninh Thuận, Bình Thuận trên 24 GW, tập trung tại vùng ven các huyện: Ninh Phước (Ninh Thuận) và Tuy Phong (Bình Thuận). Các tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên Huế có tiềm năng nhỏ hơn nhưng ổn định về tốc độ gió vào mùa đông...
Đối với vùng biển ngoài khơi (toàn vùng đặc quyền kinh tế) tổng công suất điện gió có thể khai thác1.068 GW (tính ở độ cao 100m). Trong đó, vùng biển phía bắc khoảng 174 GW và vùng biển phía nam khoảng 894 GW. Báo cáo chỉ rõ, từ tháng 11 đến tháng 2 hàng năm, tổng công suất điện gió chiếm 50,1% của cả năm và tháng 12 đạt công suất khai thác cao nhất, sau đến tháng 1 và thấp nhất là tháng 5.
Cũng theo báo cáo, gió mùa đông bắc thổi mạnh từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau tạo điều kiện tối ưu cho khai thác điện gió ngoài khơi ở miền Bắc và miền Trung. Tháng 12 được ghi nhận là thời điểm có mật độ gió cao nhất trong năm thuận lợi để khai thác điện gió trên phạm vi toàn quốc. Tháng 5 và tháng 6 thường là thời kỳ có tốc độ gió thấp nhất, cần tính toán kỹ trong việc vận hành và bảo trì hệ thống.
Theo ông Hoàng Đức Cường, Cục phó Cục Khí tượng thủy văn, báo cáo là nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu khí hậu gió biển độ phân giải cao (3x3 km) kéo dài 30 năm (1991- 2020) và đánh giá chi tiết tiềm năng kỹ thuật khai thác điện gió ở cả khu vực ven bờ (đến 6 hải lý) và vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông.