Bị cáo “cảm thấy xấu hổ”
Ngày 27/3, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát , Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) với phần bào chữa của các luật sư cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục II, Cơ quan thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trình bày trước HĐXX, các luật sư cho rằng mức án đề nghị chung thân với bà Nhàn là quá nghiêm khắc đồng thời, mong HĐXX xem xét lại tội danh “Nhận hối lộ” của bị cáo này.
Theo cáo trạng, bị cáo Đỗ Thị Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra, chỉ đạo đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra theo chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng (người ra quyết định thanh tra).
Quá trình thanh tra, bị cáo Nhàn đã nhận tiền từ Ngân hàng SCB (thông qua ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB) với số tiền đặc biệt lớn là 5,2 triệu USD để chỉ đạo cấp dưới báo cáo và ban hành dự thảo Kết luận thanh tra không khách quan, không trung thực, không đúng thực trạng tài chính của SCB nhằm bao che, bưng bít sai phạm tại SCB.
Luật sư đề nghị HĐXX đánh giá triệt để các tình tiết khách quan. Bị cáo Nhàn không chủ động gặp bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mà theo đề nghị của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn. Nội dung gặp gỡ là để trao đổi các khoản vay của các công ty trong tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Thời điểm đưa và nhận tiền diễn ra sau khi kết thúc thanh tra, có thể xem như trách nhiệm thanh tra lúc ấy đã hoàn thành. Việc chỉnh sửa số liệu trong dự thảo kết luận thanh tra là theo sự chỉ đạo của cấp trên, của người ra quyết định thanh tra.
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Đỗ Thị Nhàn nói mình “cảm thấy xấu hổ” về hành vi làm trái công vụ của bản thân. Trong quá trình điều tra, bản thân bị cáo nỗ lực khắc phục, ăn năn hối cải, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra.
“Hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo Nhàn không thỏa thuận hay yêu cầu bà Lan đưa tiền. Ý thức khi thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo là thụ động.
Bị cáo không thỏa thuận trước, không chủ động tích cực trong hành vi phạm tội. Bị cáo có gọi điện cho bị cáo Văn để trả lại tiền, tuy nhiên bị cáo Văn không đến nhận”- luật sư trình bày.
Theo các luật sư, bị cáo Nhàn có 4 tình tiết giảm nhẹ gồm: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả và có thành tích tốt trong công tác. Do đó, các luật sư mong HĐXX đánh giá toàn diện, khách quan để có bản án nhân đạo, nhân văn với thân chủ.
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Đỗ Thị Nhàn nói mình “cảm thấy xấu hổ” về hành vi làm trái công vụ của bản thân. Trong quá trình điều tra, bản thân bị cáo nỗ lực khắc phục, ăn năn hối cải, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra.
“Bị cáo mong HĐXX xem xét cho bị cáo hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Bị cáo mong bản án nhân đạo, nhân văn, đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại. Mong HĐXX cho bị cáo có cơ hội sớm trở về với gia đình”- bị cáo Nhàn trình bày.
Mong giảm nhẹ hình phạt
Trước đó, tại phiên xét xử chiều 26/3, HĐXX đã cho bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh Thanh tra NHNN) và luật sư của bị cáo bào chữa. Luật sư của bị cáo Hưng đề nghị xem xét lại việc xác định bị cáo này là chủ mưu cầm đầu và cần xác định đúng vai trò của bị cáo Hưng trong vụ án.
Theo luật sư, bị cáo Hưng có sai phạm khi là người đứng đầu, phụ trách đoàn thanh tra thì chịu trách nhiệm về các sai phạm của đoàn thanh tra nhưng phải làm rõ sai phạm của bị cáo là đến đâu và như thế nào.
Theo luật sư, bị cáo Hưng đã thừa nhận sai phạm và chịu trách nhiệm là người đứng đầu nhưng cần xem xét khi thanh tra Ngân hàng SCB, bị cáo Hưng vì sắp nghỉ hưu nên chủ quan, lơ là, tin tưởng cấp dưới. Luật sư đề nghị xem xét thêm tình tiết giảm nhẹ vì hiện có hơn 100 người thuộc cơ quan thanh tra giám sát xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo này.
Trong khi đó, bào chữa cho bị cáo Trần Văn Tuấn (Tổ trưởng Tổ thanh tra số 4 (đợt 1), thành viên Tổ 1 (đợt 2)), luật sư đề nghị xem xét lại vai trò của bị cáo Tuấn trong cơ quan thanh tra giám sát, bị cáo không phải là người trực tiếp đi thanh tra mà chỉ giữ vai trò tổng hợp nên chỉ có vai trò thứ yếu, vô cùng mờ nhạt, các kết luận của của bị cáo khi thanh tra không đúng một phần là do các yếu tố khách quan.