Tính đến tối 18-10, vẫn còn 13 ngư dân mất tích, gồm 12 ngư dân tàu cá QNa 90129 TS và 1 ngư dân tàu cá QNa 90927 TS, do tàu chìm khi đang đánh bắt tại khu vực quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Hai ngày qua, lực lượng chức năng và tàu cá ngư dân vẫn nỗ lực tìm kiếm.
Nhận định đau lòng của thuyền trưởng
Cùng ngày, tại Sở Chỉ huy tiền phương được lập ở Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà kêu gọi các phương tiện hoạt động gần khu vực các tàu bị nạn hỗ trợ tìm kiếm ngư dân mất tích.
Đại tá Trần Tiến Hiền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, cho biết khu vực 2 tàu gặp nạn gió cấp 3-4, trời nắng, thuận tiện cho hoạt động tìm kiếm. Bảy tàu cá ngư dân và 4 tàu của Bộ Quốc phòng, gồm tàu Cảnh sát biển, tàu hải quân và tàu kiểm ngư đang tích cực tìm kiếm ngư dân mất tích. Ngoài ra còn có máy bay và tàu nước ngoài tham gia hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân. UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 chỉ đạo tàu Cảnh sát biển 8002 đón, tiếp nhận 78 thuyền viên và 2 thi thể ngư dân, sau khi kết thúc tìm kiếm cứu nạn và vận chuyển về cầu cảng Vùng Cảnh sát biển 2 ở huyện Núi Thành để bàn giao cho gia đình. Thượng tá Trương Bá Long - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 - cho biết từ tối 17-10, tàu Cảnh sát biển 8002 đã tiếp cận tàu cá cứu các ngư dân bị nạn, hỗ trợ y tế. Trong ngày 18-10, tàu 8002 tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm.
Đang mang thai hơn 6 tháng, chị Phạm Thị Liên khóc cạn nước mắt ngóng trông chồng trở về
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, lúc 15 giờ ngày 18-10, vẫn chưa phát hiện thêm ngư dân mất tích. Tuy nhiên, lực lượng tìm kiếm phát hiện nhiều ngư cụ, vật dụng như thùng phuy, áo quần, chăn màn cá nhân… trôi nổi trên mặt biển xung quanh khu vực tàu chìm. Ông Lương Văn Viên, thuyền trưởng tàu QNa 90129 TS bị chìm, nhận định có nhiều khả năng 12 ngư dân bị mất tích đã chìm theo tàu sau khi bị lốc xoáy, tàu nghiêng rồi chìm rất nhanh. Theo thuyền trưởng Viên, khu vực tàu bị chìm có độ sâu khoảng trên vài ngàn mét nên lực lượng tìm kiếm không có khả năng trục vớt tàu bị chìm.
Vợ bầu khóc cạn nước mắt…
Hầu hết 15 người gặp nạn trên 2 tàu cá trú tại 2 xã Tam Quang, Tam Giang (huyện Núi Thành) đều là trụ cột gia đình. Mấy ngày qua, người thân của họ khóc cạn nước mắt.
Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, chị Mai Thị Nghị (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) không ngừng rơi nước mắt khi nghĩ đến viễn cảnh xấu nhất đối với chồng mình - anh Đinh Văn Phương, một trong số các ngư dân trên tàu cá QNa 90129 TS bị chìm. Từng phút, từng giây trôi qua đối với chị thật sự quá dài, bởi phía khơi xa, tin tức về chồng vẫn biệt tăm. Chị Nghị cho biết anh Phương mới đi biển ngày 5-10. Trước khi đi, anh nói xong chuyến biển này sẽ nghỉ ngơi, gần Tết mới đi lại. Ngờ đâu chuyến biển định mệnh có thể khiến anh mãi mãi nằm lại giữa biển khơi.
Cùng chung cảnh khóc cạn nước mắt vọng phu, hoàn cảnh của chị Phạm Thị Liên (39 tuổi; thôn Trung Toàn, xã Tam Quang) còn xót xa hơn. Đang mang thai đứa con thứ 3 được hơn 6 tháng, từ khi nghe tin chồng là anh Nguyễn Ngọc Pháp gặp nạn, chị suy sụp, không chịu ăn uống gì, đôi mắt đỏ hoe vì khóc quá nhiều. Chứng kiến cảnh chị Liên bụng mang dạ chửa ngồi bần thần bên góc nhà, ai nấy đều không cầm nổi nước mắt. "Hôm qua, khi đang sửa quần áo dưới chợ thì nghe tin tàu gặp nạn. Trên tàu có chồng và cha tôi. Cứ nghĩ lo cho cha già, sức khỏe yếu bơi không được, nào ngờ người mất tích lại là chồng mình" - chị Liên nói và cho biết cha chị là ông Phạm Văn A may mắn được cứu sống. Cố trấn an, chị Liên nói bản thân vẫn nuôi hy vọng chồng được tìm thấy và bình an về với mẹ con chị. "Anh Pháp nói đi chuyến biển này kiếm tiền để lo cho con chuẩn bị chào đời. Anh nói sẽ về ở nhà phụ tôi sinh con, vậy mà…" - chị Liên nghẹn giọng.
Thượng tá Trần Văn Hóa, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, cho biết 2 ngày qua, cán bộ đồn đã đến từng nhà ngư dân đang mất tích, thăm hỏi, động viên gia đình. "Các cấp, ngành đang nỗ lực từng phút, từng giây ngoài biển, tìm kiếm 13 ngư dân đang mất tích. Chúng tôi xin chia sẻ với nỗi lo của gia đình, mong mọi người giữ gìn sức khỏe, tiếp tục chờ đợi" - thượng tá Trần Văn Hóa nói.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, khoảng 19 giờ 30 phút ngày 16-10, tàu cá QNa 90129 TS hành nghề câu mực đang hoạt động tại khu vực biển cách đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 70 hải lý thì bị lốc xoáy làm chìm tàu. 40 ngư dân được tàu bạn gần đó cứu nạn, 14 ngư dân không may mất tích. Tiếp đó, lúc 1 giờ ngày 17-10, tàu cá QNa-90927 TS đang hoạt động cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý về hướng Bắc Tây Bắc thì bị sóng đánh chìm. 38 ngư dân trên tàu may mắn được tàu bạn cứu sống, 1 người mất tích. Ngày 17-10, lực lượng tìm kiếm tìm được 2 người trên tàu QNa 90129 TS, cả hai đều đã qua đời.
Chủ động phòng tránh bão số 5 Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chiều 18-10 đã có công điện yêu cầu các bộ ngành, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 5; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm... Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, dự báo 16 giờ ngày 19-10, bão số 5 mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Từ đêm 19 đến đêm 20-10, ở vùng ven biển, khu vực Nam đồng bằng, khu vực Đông Bắc của Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Trong ngày 18-10, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đóng cửa tất cả trường mầm non và phổ thông. Toàn tỉnh đã di dời 260 hộ dân với 572 nhân khẩu đến nơi an toàn. Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng ở xã A Roàng, huyện A Lưới khiến khoảng 6.300 m3 đất sạt xuống mặt đường gây ùn tắc. Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn đã làm nước các sông, suối trên địa bàn dâng cao, gây chia cắt nhiều ngầm, tràn ở huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Trong ngày 18-10, hơn 3.600 học sinh tại huyện Hải Lăng, Gio Linh phải nghỉ học do ngập lụt. V.Duẩn - Q.Nhật - Đ.Nghĩa |