Không thể biện minh "nhận cảm ơn" khi số tiền bằng cả gia tài
Sáng 17/7, sau gần 2 tiếng tạm dừng phiên tòa xét xử vụ "Chuyến bay giải cứu" để các bị cáo xuất trình chứng từ nộp tiền khắc phục hậu quả, HĐXX đã cho phiên xử tiếp tục với phần luận tội, đề nghị mức án từ viện kiểm sát.
Bản luận tội của Viện kiểm sát cáo buộc một số bị cáo trong vụ án đã lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng chủ trương nhân đạo của nhà nước để trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin - cho buộc các doanh nghiệp phải bôi trơn, đưa hối lộ để được cấp phép chuyến bay giải cứu.
Từ đó các doanh nghiệp phải tăng giá vé máy bay ảnh hưởng đến uy tín Nhà nước, mất đi bản chất tốt đẹp của chính sách giải cứu công dân về nước trong đại dịch, do đó việc truy tố, xét xử vụ án là cần thiết đảm bảo sự răn đe.
Đánh giá lời khai của các bị cáo về việc không nhận thức hành vi nhận tiền là vi phạm, viện kiếm sát cho rằng trong phần thẩm vấn một số bị cáo đã lập lờ, đánh lận khi biện minh việc nhận tiền chỉ là được "cám ơn” khi số tiền bằng cả gia tài nhiều người mơ ước.
Theo đó, đại diện Viện kiểm sát tái khẳng định quan điểm “Không thể coi là cảm ơn khi các doanh nghiệp buộc phải đưa tiền cho các bị cáo để được cấp phép chuyến bay giải cứu”.
Bị cáo Phạm Trung Kiên.
Thủ đoạn che giấu hành vi nhận hối lộ của cựu Thư ký
Nêu quan điểm luận tội với bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký một lãnh đạo Bộ Y tế), đại diện Viện kiểm sát nhận định, với vai trò là thư ký, được Bộ Y tế giao nhiệm vụ giúp việc cho Thứ trưởng, song lợi dụng việc nhận giấy tờ cấp phép các chuyến bay, Phạm Trung Kiên đã "làm khó", buộc các doanh nghiệp phải chi hối lộ.
“Trong vụ án, bị cáo là người nhận nhiều tiền nhất, với thủ đoạn trắng trợn nhất, sau khi vụ án phát giác, bị cáo đem trả một phần cho doanh nghiệp và yêu cầu họ nói việc đưa nhận tiền là giao dịch vay mượn nhằm che giấu cơ quan chức năng. Do đó, hành vi của Kiên cần xử lý bằng bản án nghiêm khắc để răn đe", Viện kiểm sát nhận xét.
Viện kiểm sát cáo buộc, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Văn phòng Chính phủ, tổ công tác của một số Bộ (Ngoại giao, Y tế, Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng) và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.
Thời điểm đó, Bộ Y tế phân công một thứ trưởng làm nhiệm vụ xem xét, duyệt ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng khi những nơi này xin ý kiến về chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo và xin cho khách lẻ được về nước. Các cơ quan chức năng thông qua Phạm Trung Kiên để trình thứ trưởng Bộ Y tế xem xét, ký duyệt văn bản trả lời.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thư ký Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng một chuyến bay. Đối với chuyến bay combo, thư ký Kiên ra giá với doanh nghiệp phải "chung chi" từ 500.000 đồng đến triệu đồng một khách. Đối với khách lẻ, Kiên ra giá từ 7-15 triệu đồng/khách.
Chỉ trong 8 tháng của năm 2021, Phạm Trung Kiên đã có đến 253 lần nhận tiền của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và một số khách lẻ với tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng.
Ngoài ra, Kiên còn cùng với Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, yêu cầu, gợi ý các doanh nghiệp liên hệ, chi tiền cho Kiên để được Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay cũng như kịp trả lời các văn bản liên quan "chuyến bay giải cứu". Trong đó, bị cáo này nhiều lần nhận tiền ở trụ sở Bộ Y tế hoặc yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp chuyển vào tài khoản ngân hàng của bà Nguyễn Bích Ngọc (mẹ vợ Kiên).
Tại phần xét hỏi, Kiên khai sử dụng số tiền hơn 42 tỷ đồng nhận hối lộ của doanh nghiệp đầu tư mua một số mảnh đất tại huyện Ba Vì, Hoài Đức và ở Mũi Né (Bình Thuận). Đáng chú ý, lời khai bị cáo còn thể hiện cho người thân là chú họ bên nhà vợ ở Thái Bình vay hơn 10 tỷ bằng hình thức chuyển khoản, song khi bị truy hỏi, Kiên không nhớ đầy đủ tên họ của người chú.
Ngoài ra, Kiên khẳng định tất cả mức "chi" hối lộ đều do doanh nghiệp chủ động đưa ra. “Bị cáo có đủ căn cứ khẳng định mình không hề quát tháo, ép buộc ai, cái này cơ quan điều tra có thể chứng minh, bản thân doanh nghiệp họ tự nguyện đưa”, Phạm Trung Kiên quả quyết
Trong khi đó, bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) phản bác lời khai của Kiên, ông Dương cho hay, hồi tháng 9/2021, có đi cùng bị cáo Phạm Bá Sơn (nhân viên Công ty Thái Hòa) lên gặp Kiên tại phòng họp của Bộ Y tế.
“Tại cuộc gặp tôi chứng kiến bị cáo Kiên quát ‘tôi lạ gì các anh’ mỗi tàu bay, bay về thu hàng mấy tỷ đồng. Sau khi quát mắng Sơn, Kiên lại nói ‘các anh đã nộp cho bên Bộ Công an 150 triệu đồng một chuyến thì cũng chuyển cho bên tôi như thế”, bị cáo Dương nói.