7 người kháng cáo đều được giảm án
Sau hơn ngày phúc thẩm, Tòa án Quân sự Trung ương chấp nhận kháng cáo, giảm án cho bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á ) từ 25 xuống 22 năm tù cho hai tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tổng hợp với bản án 29 năm tù do TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên hồi tháng 5/2024, Việt chấp hành chung 30 năm tù giam.
Tương tự, tòa cũng chấp nhận kháng cáo, giảm án cho bị cáo Hồ Anh Sơn (cựu thượng tá, cựu Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự thuộc Học viện Quân y) còn 10 năm tù; ông Trịnh Thanh Hùng (cựu vụ Phó thuộc Bộ Khoa học Công nghệ) 13 năm.
Trong vụ án, cả hai ông ông Hùng và Sơn bị cáo buộc “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cấp sơ thẩm trước đó xét xử phạt, ông Sơn 12 năm, ông Hùng 15 năm tù.
Nhóm 3 bị cáo, gồm: Nguyễn Văn Hiệu (cựu Đại tá, cựu trưởng Phòng Trang bị Vật tư); Lê Trường Minh (cựu thiếu tá, cựu trưởng Ban Hóa dược); Vũ Đình Hiệp (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á) mỗi người được giảm 2 năm tù.
Riêng Ngô Anh Tuấn (cựu thiếu tá, cựu trưởng Phòng Tài chính, thuộc Học viện Quân y) được giảm từ 4 năm tù xuống còn 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Họ bị cáo buộc phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về dân sự, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á yêu cầu Học viện Quân y trả lại 10 tỷ đồng. Tòa vẫn buộc các cá nhân, đơn vị liên quan phải bồi thường 12 tỷ đồng còn thiếu cho Học viện Quân y (trong đó, bị cáo Hồ Anh Sơn phải bồi thường 1,6 tỷ đồng; Công ty Việt Á 10,7 tỷ đồng).
Các bị cáo góp phần đẩy lùi dịch
Khi tuyên án, Tòa cấp phúc thẩm đánh giá 7 bị cáo đều có thái độ thành khẩn, tiếp tục khắc phục hậu quả sau phiên sơ thẩm. Các bị cáo thuộc Học viện Quân y có nhiều thành tích, cống hiến trong quá trình làm việc, góp phần đẩy lùi dịch bệnh trong giai đoạn khó khăn... nên cần cho hưởng chính sách khoan hồng.
Nội dung vụ án thể hiện, đầu năm 2020 khi Covid-19 bùng phát, Học viện Quân y đề xuất được phát triển kit test xét nghiệm trong đề tài nghiên cứu có tổng kinh phí 18,98 tỷ đồng. Đề tài sau đó được Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự thuộc Học viện Quân y triển khai.
Ông Hồ Anh Sơn được giao nhiệm vụ là là chủ nhiệm đề tài. Nhờ sự “móc nối” của Trịnh Thanh Hùng, Công ty Việt Á của Phan Quốc Việt cùng tham gia với tư cách là đơn vị phối hợp nghiên cứu, chế tạo.
Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, Hùng, Sơn và Việt cho rằng kit test của Việt Á tốt hơn nên thống nhất không cần Học viện Quân y chuyển giao quy trình nghiên cứu mà để Việt Á tự sản xuất 20.000 sản phẩm.
Cả ba sau đó đưa kit của Công ty Việt Á cung cấp (không được sản xuất theo quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y) để thử nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và sử dụng sản phẩm này để nghiệm thu đề tài.
Do Hội đồng nghiệm thu không biết Việt, Sơn, Hùng, có hành vi “gian dối” đã nghiệm thu. Từ đó, Công ty Việt Á bị tiếp tục sử dụng kết quả nghiệm thu này để gian dối trong làm thủ tục, sau đó được Bộ Y tế ra quyết định cấp phép lưu hành, sản xuất thương mại.
Sai phạm của nhóm bị cáo gây thiệt hại hơn 18 tỷ đồng – là khoản tiền Nhà nước giao Học viện Quân y làm đề tài.
Đáng chú ý, hồ sơ vụ án xác định quá trình thực hiện, bị cáo Hùng được “biếu" 350.000 USD từ Việt Á, ông Sơn nhận 2,5 tỷ đồng. Cá nhân ông Sơn còn bị cáo buộc mua, bán tăm bông, ống môi trường ở bên ngoài, dán nhãn Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y, cung cấp cho Công ty Việt Á, thu lợi 2 tỷ đồng.
Nhóm sĩ quan còn lại thuộc Học viện Quân y đều được Công ty Việt Á "lại quả", tổng từ 1,1 đến 3,6 tỷ đồng.