Theo đánh giá mới đây của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đã có phản ứng tích cực với các tín hiệu như mức độ quan tâm, lượng tìm kiếm thông tin bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư tăng cao.
Lượng giao dịch đối với loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng, quý sau cao hơn quý trước và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Bộ cho biết nguồn cung sau một thời gian hạn chế đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Thị trường ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt dự án cũ được tái khởi động và dự án mới mở bán.
Về sức mua, thị trường ghi nhận khoảng 253.000 giao dịch thành công, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, Bộ cho biết, phần lớn lượng giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền.
Trong báo cáo thị trường 6 tháng đầu năm 2024 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), ông Lê Đình Chung, Thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường VARS cho biết, phân khúc đất nền vùng ven giao dịch tăng nhiệt nhưng chưa thực sự sôi động.
Lượng nhu cầu được chuyển hóa thành cầu tăng trưởng, xuất hiện nhiều hơn nhà đầu tư đi "săn" đất. Nhà đầu tư đã chủ động xây nhà tại các mảnh đất đầu tư chờ tăng giá để cho thuê, thu về dòng tiền hàng tháng. Một số khu vực có hiện tượng giao dịch tăng trưởng cục bộ rồi lại đi ngang.
Ông Chung cho biết thêm, đất nền vùng ven Hà Nội có dấu hiệu sốt cục bộ, giá tăng khoảng 10 - 20% so với đầu năm. Đất đấu giá tại một số địa phương có mức giá khởi điểm thấp ghi nhận số lượng hồ sơ tăng vọt, mức đầu giá thành công cao hơn từ 20% tới 10 lần so với giá khởi điểm.
Bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam (VARs IRE) cho biết thêm, một số khu vực đất nền bắt đầu "nhen nhóm" các tín hiệu phục hồi tích cực khi một số dự án, chủ yếu ở khu vực miền Trung trở ra, ghi nhận kết quả mở bán, giao dịch chuyển nhượng khá tốt.
Theo bà Miền, tiến trình phục hồi của thị trường bất động sản vẫn có sự phân hóa mạnh giữa các phân khúc tại những địa phương khác nhau.
Xét về khu vực, thị trường bất động sản khu vực phía Bắc, từ phân khúc đất nền, biệt thự, chung cư... đều tiếp tục ghi nhận những kết quả tăng trưởng, ở trạng thái sẵn sàng tăng tốc. Khu vực miền Trung, bao gồm thị trường Đà Nẵng, Nha Trang, Nghệ An bắt đầu ghi nhận những chuyển biến tích cực ở phân khúc cao tầng trên thị trường sơ cấp và các sản phẩm dòng tiền trên thị trường thứ cấp.
Trong khi đó, quá trình phục hồi tại thị trường miền Nam đang cho thấy sự không đồng đều, với nguồn cung nhỏ giọt, chủ yếu đến từ giai đoạn mở bán tiếp theo của các dự án cũ.
Dữ liệu mới đây của kênh Batdongsan.com.vn cũng cho biết mức độ quan tâm của người tìm kiếm đất nền đã phục hồi 60% so với quý I/2021 và đang tăng 33% so với quý I/2024. Tuy nhiên, đây chỉ là sự cải thiện cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc.
Một số tỉnh miền Bắc như Hưng Yên có mức độ quan tâm đất nền tăng đến 194%. Hà Nội cũng chứng kiến lượng quan tâm đất nền tăng 75%. Trong đó, mức độ quan tâm và giá tăng mạnh ở khu vực vùng ven Hà Nội nhờ yếu tố quy hoạch và hoạt động đấu giá. Cụ thể, nửa đầu năm 2024, đất nền ở Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai ghi nhận nhu cầu tìm mua tăng khoảng 48 - 104%, kéo theo giá rao bán đất nền tại các huyện ngoại thành này tăng 4 - 24% so với nửa cuối năm 2023.
Còn tại TP HCM, đơn vị này cho biết phân khúc đất nền vẫn khá im ắng trong nửa đầu năm nay, nhiều khu vực thậm chí vẫn đóng băng giao dịch.
Tình trạng này đã kéo dài từ nửa đầu năm 2023, sau khi các đợt sốt đất kéo dài khiến giá tăng mạnh, tình trạng bán tháo, cắt lỗ bắt đầu xuất hiện. Đến cuối năm 2023, lượng tiêu thụ mới đất nền vẫn giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022, mặt bằng giá sơ cấp giảm trung bình 8 - 10%, cục bộ có những nơi giảm trên 30%. Bất chấp nỗ lực của nhiều chủ đầu tư như chiết khấu, cam kết lợi nhuận… giao dịch đất nền cũng không mấy cải thiện.
Trong nửa đầu năm nay, điểm sáng của phân khúc này tại TP HCM là lượt tìm kiếm tăng khoảng 45% so với thời điểm đầu năm ngoái, nhu cầu của thị trường đã có tín hiệu phục hồi. Tuy nhiên, giao dịch trầm lắng, giá bán tiếp tục đi ngang.