Tài chính

Danh sách "tay to" nắm giữ lượng lớn cổ phiếu MB dần lộ diện: 1 công ty bảo hiểm sở hữu 1,24% vốn ngân hàng, 1 quỹ ngoại nắm giữ 86,3 triệu cổ phiếu

Căn cứ thông tin cổ đông cung cấp, MB cho biết đến ngày 15/07/2024, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam nắm hơn 65,7 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng 1,24% vốn điều lệ ngân hàng. Bên cạnh đó, người liên quan của Bảo hiểm Prudential cũng sở hữu gần 1,5 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng 0,02% vốn.

Như vậy, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam và người liên quan nắm giữ tổng cộng gần 67,2 triệu cổ phiếu MBB, tương đương 1,26% vốn điều lệ. Với mức giá đóng cửa của MBB ngày 18/7 là 24.900 đồng/cp, nhóm cổ đông trên đang năm giữ lượng cổ phiếu MBB có giá trị 1.646 tỷ đồng.

Cũng tại mốc thời gian tương tự, quỹ ngoại Pyn Elite Fund (NON-UCITS) nắm giữ 86,3 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng với 1,63% vốn. Người liên quan của quỹ này không sở hữu bất cứ cổ phiếu MBB nào. Lượng cổ phiếu MB do Pyn Elite Fund nắm giữ có giá trị hơn 2.100 tỷ đồng.

Danh sách 'tay to' nắm giữ lượng lớn cổ phiếu MB dần lộ diện: 1 công ty bảo hiểm sở hữu 1,24% vốn ngân hàng, 1 quỹ ngoại nắm giữ 86,3 triệu cổ phiếu- Ảnh 1.

Thông tin về 2 cổ đông sở hữu trên 1% vốn của MB. (Ảnh: MB).

Đây là 2 cổ đông đầu tiên sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên khai báo thông tin theo Khoản 5 Điều 49 Luật các TCTD năm 2024. Dự kiến trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều cổ đông của MB sẽ phải công bố thông tin theo quy định mới. Trước đó, theo thông tin trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, MB còn có 4 cổ đông lớn, sở hữu tổng cộng 44,345% vốn điều lệ (sau phát hành ESOP), bao gồm: Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (376 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng 7,1% vốn điều lệ); Tổng Công ty trực thăng Việt Nam (nắm 447 triệu cổ phiếu, tương đương 8,43% vốn); Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông quân đội (Viettel nắm 1 tỷ cổ phiếu, bằng 19%) và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC nắm 9,8% vốn MB, tương ứng 532 triệu cổ phiếu).

Theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7, cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng sẽ phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin của mình và người liên quan gồm: Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này.

Bên cạnh đó, cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên cũng phải cung cấp thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan tại tổ chức tín dụng đó.

Các cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ phải gửi tổ chức tín dụng bằng văn bản cung cấp thông tin lần đầu và khi có thay đổi các thông tin này trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh hoặc có thay đổi thông tin. Riêng về tỷ lệ sở hữu, cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ chỉ phải công bố thông tin khi có mức thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan từ 01% vốn điều lệ trở lên so với lần cung cấp liền trước.

Luật Các TCTD (sửa đổi) cũng yêu cầu Tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin về họ và tên cá nhân, tên tổ chức là cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng và số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân đó và người có liên quan trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tín dụng nhận được thông tin cung cấp.

Cũng tại Luật các TCTD (sửa đổi), khái niệm "người có liên quan" đã được mở rộng đến cả đối tượng là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, các cháu, tức là 5 thế hệ.

Trước đó, theo quy định hiện hành, dù nắm giữ vốn tại doanh nghiệp hay ngân hàng, cổ đông sẽ chỉ phải công bố thông tin về các giao dịch, sở hữu, người liên quan khi nắm từ 5% vốn doanh nghiệp, ngân hàng trở lên (cổ đông lớn).

Theo quy định của Luật các TCTD (sửa đổi), Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với tổ chức, cá nhân khác thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Công ty mẹ với công ty con và ngược lại; công ty mẹ với công ty con của công ty con và ngược lại; tổ chức tín dụng với công ty con của tổ chức tín dụng và ngược lại; tổ chức tín dụng với công ty con của công ty con của tổ chức tín dụng và ngược lại; các công ty con của cùng một công ty mẹ hoặc của cùng một tổ chức tín dụng với nhau; các công ty con của công ty con của cùng một công ty mẹ hoặc của cùng một tổ chức tín dụng với nhau; người quản lý, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát của công ty mẹ hoặc của tổ chức tín dụng, cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người này với công ty con và ngược lại;

b) Công ty hoặc tổ chức tín dụng với người quản lý, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát của công ty hoặc tổ chức tín dụng đó hoặc với công ty, tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người đó và ngược lại;

c) Công ty hoặc tổ chức tín dụng với tổ chức, cá nhân sở hữu từ 05% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên tại công ty hoặc tổ chức tín dụng đó và ngược lại;

d) Cá nhân với vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh vợ, chị vợ, em vợ, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha (sau đây gọi là vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em); ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và cháu ruột;

đ) Công ty hoặc tổ chức tín dụng với cá nhân có mối quan hệ theo quy định tại điểm d khoản này với người quản lý, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát, thành viên góp vốn hoặc cổ đông sở hữu từ 05% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của công ty hoặc tổ chức tín dụng đó và ngược lại;

e) Cá nhân được ủy quyền đại diện phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này với tổ chức, cá nhân ủy quyền; các cá nhân được ủy quyền đại diện phần vốn góp của cùng một tổ chức với nhau;

g) Pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xác định theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, giám sát;

h) Đối với quỹ tín dụng nhân dân, người có liên quan với khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm trường hợp quy định tại các điểm b, c, đ và g khoản này; khách hàng với vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của khách hàng đó.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm