Thị trường phiên 22/2 giảm sâu dưới áp lực bán mạnh tại các cổ phiếu trụ cột. Chỉ số VN-Index mất hơn 2,5%, cộng thêm phiên giảm ngày trước đó đã xoá sạch toàn bộ nỗ lực tăng điểm vào phiên thứ Hai đầu tuần. Không ít cổ phiếu bất động sản vừa tăng kịch trần phiên 20/2 đã quay đầu giảm sâu trong 2 phiên kế tiếp, tương tự với nhóm chứng khoán hay ngân hàng cũng không tránh khỏi điều tương tự.
Diễn biến khó lường của thị trường khiến không ít nhà đầu tư hoang mang, đặc biệt là nhóm trading ngắn hạn (lướt sóng T+). Trong đà hưng phấn của thị trường, nhiều người nhảy vào bắt đáy cổ phiếu với niềm tin việc “lướt sóng T+” sẽ ít nhiều mang lại lợi nhuận một cách dễ dàng. Tuy nhiên, chiến thuật lại bị phản tác dụng khiến nhiều người trở nên hoang mang khi "vô tình lướt sóng lại thua lỗ".
Cổ phiếu sụt giảm mạnh, lợi nhuận bắt đáy sang tới phiên T+2 đã không còn bao nhiêu, thậm chí âm tài khoản. Một điều cũng phải lưu ý là không phải nhà đầu tư nào cũng mua được ở giá thấp nhất hôm đầu tuần. Một bộ phận sẽ chỉ nhảy vào mua đuổi sau khi giá đã phục hồi mạnh, thậm chí tăng qua tham chiếu. Nói cách khác, đại đa số nhà đầu tư vừa có cổ phiếu về tài khoản đã lỗ, chỉ những người mua được ở đáy có thể vẫn còn lãi song cũng khá mỏng.
Không chỉ vậy, rủi ro của hoạt động lướt sóng T+ còn nằm ở việc bán cắt lỗ. Không ít nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu "nóng" chỉ vì nghe theo “tin đồn”, do đó khi nhóm cổ phiếu đó có dấu hiệu điều chỉnh, tâm lý bán tháo để bảo toàn lợi nhuận sẽ lan tỏa mạnh mẽ. Việc đua nhau kê lệnh bán bất chấp giá dẫn tới cổ phiếu bị giảm sâu, cuối cùng nhà đầu tư lại bán ra đúng đáy giá cổ phiếu, ”vừa bán ra thì giá cổ phiếu lại tăng”.
Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư đang bị kẹp hàng T+, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích Chứng khoán DSC cho rằng những nhà đầu tư chuyên nghiệp khi áp dụng chiến lược T+ (trading lướt sóng), trước khi tiến hành giao dịch, thường đã xác định rõ kế hoạch như giá mục tiêu và giá cắt lỗ. Đồng thời, đã xác định theo trường phái lướt sóng thì đây cũng là những nhà đầu tư có khả năng chấp nhận mức rủi ro cao hơn.
"Nhịp “bẫy bò” như phiên ngày 22/2 có phần bất ngờ và bị xúc tác bởi một số thông tin tiêu cực, nhưng có lẽ đã nằm trong kịch bản đặt ra trước đó ". Trên thực tế, VN-Index điều chỉnh có phần bất ngờ, biên độ nến rộng và khối lượng giao dịch lớn, theo phân tích kỹ thuật là cây nến tiêu cực, kéo dài động lượng giảm điểm sang phiên tiếp theo. Tuy nhiên khu vực 1.050 vẫn đang là điểm tựa hỗ trợ mạnh đã được kiểm chứng nhiều lần, do đó rất có khả năng xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật. Do đó ngưỡng điểm này chính là cơ hội để nhà đầu tư bình tĩnh và áp dụng kịch bản quản trị rủi ro các cổ phiếu trong danh mục.
Đối với nhà đầu tư đã mua lướt sóng cổ phiếu trong ngày 20/2 nhưng không theo chiến lược quản trị và lựa chọn cổ phiếu mang tính đầu cơ theo hô hào, hoặc xác định trading T+ nhưng mức thiệt hại vượt quá khả năng chịu đựng rủi ro, lời khuyên của vị chuyên gia đến từ DSC là nên tránh áp dụng chiến lược giao dịch T+ ngắn hạn sau này và nên lựa chọn khung thời gian nắm giữ dài hạn hơn, vốn có mức rủi ro thấp hơn.