Đó là một trong số những nội dung quan trọng vừa được Thanh tra Chính phủ nêu tại Báo cáo Số 362/BC-TTCP về Kết quả giải quyết và trả kiến nghị của cử tri gửi trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV.
Qua thanh tra cho thấy, công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế đã được các đơn vị thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục tại Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Thông tư 58/2016/TT-BTC. Tuy nhiên, quá trình mua sắm có nhiều thiết sót, khuyết điểm, vi phạm trong việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu và thực hiện hợp đồng mua sắm tại nhiều địa phương.
Cụ thể, 54/61 tỉnh, thành phố có 4.992/15.909 gói thầu vi phạm. 2 địa phương có tỷ lệ gói thầu vi phạm cao (qua kiểm tra xác suất một số đơn vị, cơ sở y tế) là Hà Tĩnh, Đà Nẵng với tỷ lệ 100%; tiếp đến là Hải Phòng 95,8%; Quảng Trị 95,2%; Nam Định 91,3%; Bình Thuận 90,7%; Cần Thơ 89,3%; Vĩnh Long 85,5%; các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Ninh Bình, Hà Giang trên 70%...
Một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển 40 vụ việc cho cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo thẩm quyền; trong đó, Thanh tra Chính phủ 16 vụ việc; thanh tra bộ, tỉnh 24 vụ việc.
Cũng tại báo cáo này, Thanh tra Chính Phủ nhấn mạnh, thời gian qua, Chính Phủ, Thủ tướng Chính Phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tăng cường kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận tiêu cực về tham nhũng như các dự án đầu tư lớn, quản lý, sử dụng đất đai, cổ phần hoá, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; việc mua, bán, chuyển nhượng tài sản công, các dự án mua sắm từ tài sản Nhà nước...
Đồng thời, đã kiến nghị các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó Bộ Y tế 10 nhóm nội dung (gồm: Sớm trình Chính phủ kế hoạch xây dựng Luật Quản lý trang thiết bị y tế; rà soát, sửa đổi bổ sung Thông tư số 14/2020/TT-BYT để khắc phục bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sơ y tế công lập…); Bộ Tài chính 2 nội dung; Bộ KH&ĐT 1 nội dung.
Kiến nghị Bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm điểm, xử lý vi phạm nghiêm túc các kết luận thanh tra; thu hồi các khoản tiền do vi phạm; khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót, khuyến điểm đã được chỉ ra qua thanh tra.
Hà Tĩnh nói gì?
Theo nguồn tin của Nhadautu.vn, để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong các năm 2020 và 2021, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thực hiện tổng 863 gói thầu mua sắm thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao với tổng giá các gói thầu hơn 122,7 tỉ đồng.
Trong đó, có 4 đơn vị mua sắm 12 gói thầu thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm có nhà sản xuất hoặc nhà thầu cung cấp là Công ty cổ phần công nghệ Việt Á với tổng giá trị trúng thầu hơn 24,1 tỉ đồng.
Vào đầu năm 2022, Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về đấu thầu, mua sắm, sử dụng các thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm và vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tại đợt thanh tra này, đoàn thanh tra đã làm việc với 11/29 đơn vị và tiến hành kiểm tra trực tiếp 48 gói thầu với giá trị hơn 32,3 tỉ đồng.
Người dân khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Ảnh Trương Hoa
Kết quả thanh tra 48 gói thầu đã phát hiện có khuyết điểm, hạn chế về trình tự, thủ tục đấu thầu, mua sắm. Tổng giá trị sai phạm về kinh tế hơn 2,2 tỉ đồng, nguyên nhân do cho nhà thầu tạm ứng quá thời hạn chưa thu hồi hoặc hoàn ứng; chưa điều chỉnh giá gói thầu…
Vào giữa tháng 5/2022, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kết luận thanh tra, trong đó chỉ ra một số tồn tại, hạn chế tại 48 gói thầu này.
Ngày 6/1, Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh cho biết tại dự thảo báo cáo tổng kết của Thanh tra Chính phủ đã tổng hợp kết quả, thông tin tỉnh Hà Tĩnh tỉ lệ số gói thầu có vi phạm là 100% (48/48 gói thầu được kiểm tra). Trên thực tế đoàn thanh tra Hà Tĩnh chỉ kiểm tra 48/863 gói thầu và những gói thầu được kiểm tra phát hiện vi phạm, chứ không phải tất cả 863 gói thầu đều có vi phạm.
Trả lời Nhadautu.vn về lý do chỉ kiểm tra 48 gói thầu mà không mở rộng kiểm tra những gói thầu khác, lãnh đạo Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sở dĩ đoàn thanh tra chỉ kiểm tra 48/863 gói thầu vì thời gian thanh tra gấp, chỉ thanh tra những gói thầu lớn để kịp thời báo cáo lên cấp trên. Những gói thầu còn lại giá trị nhỏ giao cho các huyện, thị, thành phố kiểm tra để báo cáo lên. Nên khi báo cáo ra Thanh tra Chính phủ tỉ lệ là 48/48 nên mới có con số xác suất 100%.
"Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp liên hệ và gửi giải trình đến Vụ Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo khối văn hóa xã hội (Thanh tra Chính phủ) để điều chỉnh thông tin cho phù hợp" - vị lãnh đạo này cho biết thêm.
Trước đó, tại cuộc giao ban báo chí ngày 26/9/2022, ông Đường Công Lự - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, trước thực trạng thiếu vật tư y tế, Ngành y tế tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn rà soát, không để thiếu thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường thực hiện quy định về đấu thầu, mua sắm quản lý chặt chẽ, không để thất thoát, vi phạm trong đấu thầu.