Doanh nghiệp

Vợ chồng "vua hàng hiệu" sẽ "song kiếm hợp bích" điều hành doanh nghiệp bán hàng miễn thuế sân bay

SAS:

Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp

CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức tại TP.HCM vào ngày 10/4/2024.

Theo đó, năm 2023 Sasco báo lãi sau thuế hơn 285 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước đó và vượt 22% kế hoạch đề ra. Nhờ kết quả kinh doanh vượt kế hoạch, Sasco dự kiến trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 18,26%, tức mỗi cổ phiếu nhận 1.826 đồng. Trước đó, công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 8% vào tháng 10/2023.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, Sasco dự kiến doanh thu thuần hơn 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 343 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 3% so với năm trước. Công ty vẫn tập trung vào bán hàng miễn thuế, phòng chờ và các dịch vụ khác.

Đáng chú ý, tại đại hội lần này, Sasco sẽ tiến hành bầu các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2024-2029, trong đó có một thành viên mới trong danh sách đề cử là bà Lê Hồng Thủy Tiên - vợ Chủ tịch Sasco Johnathan Hạnh Nguyễn. 4 cái tên còn lại trong danh sách là những thành viên cũ: ông Johnathan Hạnh Nguyễn, ông Lê Anh Tuấn, bà Lê Thị Diệu Thúy và ông Nguyễn Văn Hùng Cường.

Bà Lê Hồng Thủy Tiên nổi tiếng với cương vị là CEO Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG). Dưới sự điều hành của bà và ông Johnathan Hạnh Nguyễn, IPPG đã trở thành một trong những doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất Việt Nam, hoạt động trên 6 lĩnh vực, phân phối độc quyền hơn 100 thương hiệu xa xỉ quốc tế, với hơn 1.000 cửa hàng bán lẻ.

Vợ chồng

IPPG là cổ đông lớn của Sasco – công ty chuyên cung cấp hàng miễn thuế, dịch vụ phòng chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất và cửa hiệu ở trung tâm thành phố, quy tụ hàng loạt thương hiệu xa xỉ phẩm trên thế giới.

Ngoài vị trí CEO IPPG, bà Lê Hồng Thủy Tiên còn đang là người đại diện của nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH IPP Property, CTCP Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh, Công ty TNHH Thương mại Thế kỷ vàng, Công ty TNHH Kinh doanh miễn thuế Phú Xuân.

Theo những thông tin từng được chia sẻ với truyền thông, bà Lê Hồng Thủy Tiên thường tự mình đi gặp trực tiếp các nhãn hàng quốc tế và thương thảo hợp đồng kinh doanh. Bà cũng là người quyết định việc nhập những loại hàng nào về Việt Nam trong lĩnh vực thời trang xa xỉ. Chính "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn cũng công nhận năng lực của bà xã trong kinh doanh.

Vợ chồng

Doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên vinh dự nhận Huân chương công trạng - Tước hiệu Hiệp sĩ do Tổng thống Cộng hòa Ý tặng.

Trả lời truyền thông hồi tháng 10/2023, bà Lê Hồng Thủy Tiên kể lại rằng trước khi được bổ nhiệm làm CEO IPPG, ngoài chức danh Giám đốc Siêu thị miền Đông, bà cũng đồng thời là Giám đốc của Siêu thị Bình Dân ở Gò Vấp. Bên cạnh đó, bà còn làm giám đốc và ngồi trong HĐQT để tổ chức và hình thành một loạt siêu thị và cửa hàng miễn thuế tại nhiều cửa khẩu như Mộc Bài, Lao Bảo, An Giang…

"Nhờ việc tham gia tổ chức từ A tới Z và làm song song nhiều việc như vậy, tôi mới được đội ngũ lãnh đạo IPPG nói chung và anh Hạnh ghi nhận và cấp quyết định bổ nhiệm. Chứ không phải chỉ nhờ điều hành Siêu thị miền Đông thành công mà tôi có thể bước lên vị trí CEO IPPG đâu", bà cho hay.

Vợ chồng

Ngoài ra, nữ CEO của IPPG cũng xuất hiện trong các hội nghị, diễn đàn để đóng góp những đề xuất nhằm tìm ra chính sách đột phá cho các doanh nghiệp. Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 hồi tháng 9/2023, bà đã nêu những ý kiến thiết thực về thuế, tài chính, hỗ trợ lãi vay, dỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp, phát triển du lịch…


Cùng chuyên mục

Đọc thêm