Vợ chồng Thanh Thảo (27 tuổi) đều là dân tỉnh lẻ nhưng đã sớm tậu được nhà Hà Nội nhờ cả một quá trình cố gắng và biết thu vén, tiết kiệm.
Từ những năm đầu đại học, Thảo đã tập tành kinh doanh, ước mơ có một ngôi nhà riêng cũng bắt đầu từ đấy bởi cô từng có thời gian ở trong ký túc xá 8 người, không gian chật chội, tù túng. Vào thời điểm 2016-2017, thu nhập của Thảo đã rơi vào tầm 40 triệu 1 tháng nhờ công việc kinh doanh và tính tiết kiệm: sáng đi học, chiều ship hàng cho khách, tự nấu ăn nên có khi chỉ mất tiền đi xe khách về quê dịp cuối tuần. Đến năm thứ 2 cô đã có thể tự lo cuộc sống và đóng học phí. Ngoài ra, những nhu cầu "con gái" của cô cũng khá ít: chỉ dùng son, quần áo mua đủ để mặc. Bởi vậy, ngay từ thời sinh viên, Thảo đã tích được một khoản vốn kha khá.
Năm 21 tuổi Thảo gặp chồng, anh quê ở Hưng Yên. Khi ấy kinh tế của cô đã khá ổn vì đã có 2 cửa hàng. Tuy nhiên, cô chưa tính đến việc mua nhà vội mà muốn mua xe trước để thuận tiện cho việc kinh doanh, đi học và về quê thăm gia đình. Năm 22 tuổi, sau chuyến du lịch cùng người yêu, Thảo quyết định mua luôn 1 chiếc xe mới 485 triệu - đây cũng là tài sản đầu tiên đứng trên cô.
Căn hộ 2,7 tỷ tại Trung Kính rộng 68m2
Không gian được thiết kế tối giản
Nếu chờ đủ tiền thì không biết bao giờ mới mua được nhà nên hai người quyết định gom góp mua luôn để an cư lạc nghiệp. Lúc ấy, bạn trai Thảo tiết kiệm được khoảng 800 triệu và đã bỏ ra để đặt cọc mua nhà vào năm 2016. Đến 2017 thì nhận nhà và trả theo tiến độ. Vì gia đình cũng không khá giả nên cặp đôi hoàn toàn tự lực cánh sinh.
May mắn là thời điểm ấy công việc kinh doanh của Thảo phát triển, thu nhập đến từ 2 cửa hàng khá lớn. Ngoài ra, cô cũng tính rằng nếu có gặp rủi ro trong kinh doanh thì bạn trai vẫn có thu nhập hàng tháng tầm khoảng 30 triệu để trả lãi cho căn hộ vì anh có công việc ổn định ở ngân hàng.
Khu vực bàn ăn và phòng bếp
Đến cuối 2017 căn hộ được bàn giao, rộng 68m2 và nằm ở phố Trung Kính. Căn hộ thuộc phân khúc hạng A, có vị trí thuận tiện và tầm view nhìn thẳng xuống phố. Chi phí mua thô thời điểm ấy là 2,4 tỷ, còn nội thất hơn 300 triệu. Gu 2 người rất giống nhau, đều muốn thiết kế theo phong cách đơn giản với tone nâu - trắng. Công năng gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ và 2 nhà vệ sinh. Nội thất được Thảo trang bị loại cao cấp, đặc biệt là đồ điện tử, ví dụ như khoá cửa vân tay 15 triệu, tủ lạnh 25 triệu, điều hoà đời mới....
Tính đến thời điểm 2017, sau khi bàn giao nhà xong, hai người chỉ còn nợ ngân hàng khoảng 850 triệu. Tuy tài khoản của cô có sẵn 1 tỷ, đủ khả năng trả hết nợ nhưng Thảo quyết định để lại số tiền ấy làm vốn kinh doanh, làm ăn, đồng thời làm động lực cho bạn trai cố gắng trả nợ. Năm 2018 cả hai tổ chức đám cưới và chính thức về chung 1 nhà, vì công việc của cả 2 đều thuận lợi nên cả quá trình mua nhà, trả nợ không gặp khó khắn nhiều.
View nhìn xuống thành phố
Sau nhiều năm cố gắng ở đất thủ đô, cuộc sống hiện tại của Thảo khá đủ đầy: có 1 ngôi nhà ấm cúng và ô tô để tiện đi lại. Năm 2019, Thảo còn tự thưởng cho bản thân 1 chiếc xe trả thẳng hơn 1 tỷ, rộng rãi và an toàn hơn vì đã có con nhỏ. Đầu 2021, cô đã mua thêm 1 căn hộ Vinhomes để làm tài sản đầu tư và ổn định dòng tiền.
Cô cũng đã tính tới việc mua nhà ở mặt đất sau thời gian ở chung cư vì tăng giá nhanh hơn chung cư. Tuy nhiên, nếu bạn đang có ngân sách khoảng 3 tỷ thì ở chung cư sẽ tiện hơn là nhà mặt đất.
Về việc giới trẻ có nên đầu tư liều lĩnh vào bất động sản không? Từ kinh nghiệm bản thân, Thảo cho rằng các bạn trẻ nên thử sức vì nó là tài sản tích luỹ và có thể tăng giá. Đồng thời, đây là động lực để thúc đẩy bản thân cố gắng trả nợ những khoản vay. Nếu bạn chờ đủ mới mua thì có thể nhà đã tăng giá rồi. Ngoài ra, một câu hỏi khác được nhiều người đặt ra là bao lâu mới mua được nhà? Số tiền mua nhà tuy lớn, nhưng hãy biết tích tiểu thành đại, tiết kiệm dần từ những con số nhỏ như 200-300k hoặc 1-2 triệu để một ngày không xa có thể đạt được mục tiêu.
Nguồn: NVCC