Theo tìm hiểu của VietTimes, màn đổi chủ ở CTCP Chứng khoán Vina (Vina Securities) diễn ra khá chóng vánh và triệt để, ít nhất là trên giấy tờ.
Cụ thể, ngày 9/12/2021, toàn bộ các cổ đông Hàn Quốc (bao gồm 12 thể nhân và 3 pháp nhân) đồng loạt triệt thoái vốn khỏi Vina Securities.
Ở chiều hướng ngược lại, Vina Securities ghi nhận sự góp mặt của 3 cổ đông mới, đứng đầu là Công ty TNHH Dịch vụ và Phân phối Finhay Việt Nam (viết tắt: Finhay Việt Nam SD) với tỉ lệ sở hữu 95,6% vốn điều lệ, tiếp đến là bà Vũ Thanh Vân và ông Nghiêm Xuân Huy với tỉ lệ sở hữu lần lượt là 3,9% và 0,5% vốn điều lệ.
Sinh năm 1991, ông Nghiêm Xuân Huy được biết đến là nhà sáng lập Finhay – một nền tảng đầu tư chỉ với 50.000 đồng nhằm mang đến tự do tài chính cho giới trẻ. Ông Huy hiện là giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Finhay Việt Nam SD và CTCP Finhay Việt Nam (Finhay Việt Nam).
Trong khi đó, bà Vũ Thanh Vân sinh năm 1980, là người đại diện theo pháp luật cho Finhay Việt Nam – chi nhánh Tp. HCM và còn đứng tên tại một số pháp nhân khác như: CTCP Bizad, CTCP Đào tạo và nghệ thuật Bizad, CTCP Đầu tư và Thương mại quốc tế GCS Việt Nam.
Trên báo cáo tài chính, tính đến cuối năm ngoái, Vina Securities ghi nhận khoản phải thu khác lên tới 64,9 tỉ đồng (chiếm 45,9% tổng tài sản) với Finhay Việt Nam SD. Đây là số tiền còn lại mà Finhay Việt Nam phải thanh toán căn cứ theo các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ký ngày 19/11/2021 và thư thoả thuận về giá chuyển nhượng ký ngày 8/12/2021 (với tổng giá trị chuyển nhượng là 129,8 tỉ đồng). Tính đến ngày 31/12/2021, Finhay Việt Nam SD đã chuyển vào "Tài khoản nhận vốn trực tiếp" đứng tên bởi Vina Securities là 64,9 tỉ đồng.
Ở một diễn biến khác, hậu đổi chủ, vào tháng 1/2022, Vina Securities đã hoàn tất đợt phát hành thêm 8,5 triệu cổ phiếu cho Finhay Việt Nam SD để nâng quy mô vốn điều lệ lên 358,59 tỉ đồng.
Cùng với đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (AGM 2022) được tổ chức ngày 23/2 vừa qua, nhóm cổ đông mới tại Vina Securities đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu đạt 86,94 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế ở mức 60 tỉ đồng.
Phép tính của nhóm Finhay Việt Nam ở Vina Securities
Việc vực dậy hoạt động kinh doanh của Vina Securities là một thách thức không nhỏ đối với nhóm Finhay Việt Nam và cả giới chủ đứng sau nhóm nhà đầu tư này.
Sau nhiều năm kinh doanh kém hiệu quả, tính đến cuối năm ngoái, Vina Securities ghi nhận khoản lỗ luỹ kế lên tới 263,1 tỉ đồng – ‘ăn mòn’ gần hết vốn đầu tư của chủ sở hữu. Để rồi, UBKCNN đã đặt công ty chứng khoán này vào tình trạng kiểm soát đặc biệt từ ngày 23/4 – 22/8/2021, tiếp đến là đình chỉ hoạt động từ ngày 17/9/2021 – 16/3/2022.
Thương vụ tăng vốn được thực hiện gấp rút mà VietTimes đề cập ở phần đầu bài viết, phần nào sẽ giúp Vina Securities lên kế hoạch bảo đảm tỷ lệ an toàn tài chính để đi vào hoạt động bình thường.
Nhưng quan trọng hơn, việc có thêm một ‘mảnh ghép’ như Vina Securities sẽ giúp cho fintech ra đời từ năm 2017 hoàn thiện thêm chuỗi giá trị trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán.
Nói đến sự phát triển của Finhay, mà cụ thể hơn là Finhay Việt Nam, khó có thể bỏ qua vai trò của CTCP Chứng khoán Thiên Việt (Mã CK: TVS).
Tháng 4/2020, TVS cho biết đã hoàn tất thương vụ đầu tư vào Finay. Khi ấy, nền tảng quản lý tài sản này được cho là đã có tới hàng trăm nghìn người dùng với các sản phẩm tài chính khác nhau.
"Khoản đầu tư vào Finhay từ TVS và nhà đồng sáng lập Acorns của Mỹ, được định giá khoảng 1 tỷ USD sau vòng gọi vốn gần nhất, sẽ được sử dụng để mở rộng thị phần, tối ưu hoá hệ thống CNTT và nâng cao nhận thức của người dùng về các sản phẩm tài chính của Finhay", thông cáo phát đi của TVS cho biết.
Tính đến ngày 31/12/2021, TVS ghi nhận giá gốc của khoản đầu tư vào Finhay Việt Nam ở mức 62,4 tỉ đồng (tương đương 6,2 triệu cổ phiếu), tăng gần 7 lần so với thời điểm cuối năm 2020.
Dữ liệu của VietTimes ghi nhận, TVS tham gia vào Finhay Việt Nam từ tháng 11/2019, khi doanh nghiệp này chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần. Khi ấy, khoản đầu tư của TVS mang tính chất tượng trưng, với chỉ 2 cổ phần phổ thông, tương ứng với 0,01% vốn điều lệ Finhay Việt Nam. Trong khi đó, nhà sáng lập Nghiêm Xuân Huy nắm giữ tới 99,97% vốn điều lệ.
Tới tháng 1/2020, Finhay Việt Nam bắt đầu ghi nhận sự góp mặt của cổ đông ngoại, là Finhay Pty Ltd (trụ sở tại Australia) với tỉ lệ sở hữu 49% vốn điều lệ. Sau một số đợt tăng vốn của Finhay Việt Nam, tỉ lệ sở hữu của Finhay Pty Ltd giảm xuống còn 43,65%.
Đến tháng 5/2021, Finhay Việt Nam ghi nhận thêm một cổ đông ngoại khác, là Valence Private Investments Limited (đặt trụ sở tại Trung Quốc), với tỉ lệ sở hữu 5,35%. Theo ghi nhận của VietTimes, nhiều khả năng Valence Private Investments Limited đã nhận chuyển nhượng số cổ phần này từ nhóm cổ đông nội.
Cập nhật tới tháng 12/2021, Finhay Việt Nam có quy mô vốn điều lệ 101 tỉ đồng. Trong đó, nhóm cổ đông ngoại chỉ còn sở hữu 45,92% vốn, bao gồm: Valence Private Investments Limited (4,42% VĐL) và Finhay Pty Ltd (41,5% VĐL).
Trước Finhay, TVS cũng có khoản đầu tư đáng chú ý vào một startup khác, là CTCP Dịch vụ Di động trực tuyến (M_Service) – đơn vị vận hành ví điện tử MoMo. Cùng với đó, TVS cũng rót vốn đầu tư vào CTCP Galaxy Education, CTCP Viễn thông Tinh Vân, CTCP Xếp hạng tín nhiệm Thiên Minh.
Đáng chú ý, trong năm 2021, TVS còn ghi nhận khoản đầu tư 32 tỉ đồng vào CTCP Đầu tư 315. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 6/2020, với quy mô vốn điều lệ 2,3 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: bà Nguyễn Huỳnh Vân Vy (80% VĐL), ông Phùng Tấn Tài (19% VĐL) và bà Nguyễn Thị Bảo Cơ (1% VĐL)./.