Sau chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực trong phiên giao dịch chiều ngày 20/3. Dòng tiền đổ mạnh vào cuối phiên giúp chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 17,62 điểm (1,42%), tăng lên 1.260 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng hơn 24 điểm (1,97%) đạt 1.259 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 0,79%, còn UPCOM-Index giảm nhẹ 0,06 điểm để đóng cửa ở mức 90,54 điểm.
Cùng với đà tăng về điểm số, thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm gần 23.000 tỷ, tăng hơn 1.100 tỷ đồng so với phiên trước.
Trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp trước đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng ghi nhận phiên giao dịch tích cực. Trong đó, mã cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam chốt phiên tại mức giá trần 23.600đ/cổ phiếu, với hơn 27 triệu cổ phiếu được sang tay trị giá hơn 632 tỷ đồng. Mã TCB tăng 5%, MBB có thêm 4,1%, CTG, VPB, STB, ACB, TPB tăng trên 2%.
Mức tăng mạnh của cổ phiếu VIB trong phiên giao dịch ngày 20/3 không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông sau hai phiên giảm nhẹ trước đó. Mức tăng này cũng giúp khối tài sản của vợ chồng Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ ghi nhận tăng thêm hàng trăm tỷ đồng.
Khối tài sản của Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ tăng hơn 188 tỷ đồng trong phiên giao dịch 20/3
Theo báo cáo quản trị năm 2023 của VIB, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ đang trực tiếp nắm giữ hơn 125,55 triệu cổ phiếu VIB, cùng với đó bà Trần Thị Thảo Hiền, vợ ông Vỹ cũng đang trực tiếp nắm giữ hơn 125 triệu cổ phiếu VIB. Với mức tăng của VIB trong phiên giao dịch ngày 20/3, khối tài sản của vợ cồng Tiến sĩ 56 tuổi ghi nhận tăng thêm gần 376 tỷ đồng. Trong đó, khối tài sản của ông Vỹ tăng hơn 188 tỷ đồng, tài sản của bà Hiền tăng hơn 187 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường khối tài sản của ông Vỹ và vợ đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 5.913 tỷ đồng.
Cổ phiếu VIB tăng mạnh sau khi nhà băng này thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024. Theo đó, VIB đặt muc tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.045 tỷ đồng, tăng trường 13% so với kết quả đạt được năm 2023; Tổng tài sản đạt 492.000 tỷ đồng, tăng 20%; Tổng dư nợ tín dụng đạt 320.600 tỷ đồng, tăng 20% và Huy động vốn dự kiến đạt 315.200 tỷ đồng, tăng 21%. Ngoài ra, nhà băng này cũng đặt mục tiêu Tỷ lệ nợ xấu năm 2024 ở dưới 3%, con số này ở kết thúc năm 2023 là 2,2%.
Sau phiên tăng mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 21/3 chuyên gia công ty chứng khoán Vietcap dự báo VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm để kiểm định kháng cự tại 1.270 điểm. Lực bán nhiều khả năng sẽ được thúc đẩy từ mốc này để tạo nên sự giằng co với lực mua. Nếu lực mua đủ mạnh giúp VN-Index vượt cản, chỉ số sẽ tiếp tục hướng lên kháng cự mạnh hơn tại 1.285-1.290 điểm. Tuy nhiên ở một kịch bản có xác suất xảy ra cao hơn, VN-Index có thể thoái lui từ mốc 1.270 điểm để củng cố lại đà tăng giá.
Chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) đánh giá thị trường tăng điểm tốt trong phiên 20/03 và ghi nhận phiên phục hồi kỹ thuật đầu tiên và chưa thể khẳng định xu hướng ngắn hạn. Tuy nhiên diễn biến thị trường đang dần trở nên cân bằng hơn cho thấy thị trường tương đối tự tin với việc hấp thụ lực cung từ phiên thứ 2 đầu tuần. Song, CTCK này cho rằng nền phân phối cộng với biên độ vận động cao vẫn sẽ tạo nên rủi ro tiềm ẩn và nhà đầu tư cần chú ý cẩn trọng hơn.
Chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ thử thách lại vùng 1.268 – 1.270 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên chỉ số VN-Index có thể sẽ chưa thể vượt hoàn toàn vùng kháng cự 1.268 – 1.270 điểm trong 1-2 phiên giao dịch tới. Điểm tích cực là dòng tiền quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cho nên xu hướng tăng của thị trường cũng sẽ được củng cố trong ngắn hạn.