Khoa học

Bản đồ lớn nhất về các lỗ đen siêu lớn đang hoạt động

Bản đồ mới ghi lại vị trí của khoảng 1,3 triệu chuẩn tinh trong không gian và thời gian - Ảnh: The Telegraph

Bản đồ mới ghi lại vị trí của khoảng 1,3 triệu chuẩn tinh trong không gian và thời gian - Ảnh: The Telegraph

Bản đồ mới ghi lại vị trí của khoảng 1,3 triệu chuẩn tinh, hay còn gọi là lỗ đen ngốn khí trong không gian và thời gian. Trong đó, chuẩn tinh xa nhất tỏa sáng rực rỡ khi vũ trụ chỉ mới 1,5 tỉ năm tuổi. Hiện nay vũ trụ đã 13,7 tỉ năm tuổi.

Bản đồ lỗ đen siêu lớn

Chuẩn tinh là một trong những vật thể sáng nhất vũ trụ. David Hogg, nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Tính toán vật lý thiên văn của Viện Flatiron (New York) và là giáo sư vật lý và khoa học dữ liệu tại Đại học New York, cho biết danh mục chuẩn tinh này khác với tất cả các danh mục trước đó ở chỗ nó cung cấp bản đồ ba chiều về thể tích lớn nhất từ trước đến nay của vũ trụ.

Tác giả chính của bài báo, Kate Storey-Fisher, hiện là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Vật lý quốc tế Donostia ở Tây Ban Nha.

Theo trang Phys.org, các nhà khoa học xây dựng bản đồ mới bằng cách sử dụng dữ liệu từ kính viễn vọng không gian Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Mặc dù mục tiêu chính của Gaia là lập bản đồ các ngôi sao trong thiên hà của chúng ta, nhưng nó cũng vô tình phát hiện các vật thể bên ngoài Dải Ngân hà, chẳng hạn chuẩn tinh và các thiên hà khác khi quét qua bầu trời.

Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng dữ liệu từ kính viễn vọng Wide-Field Infrared Survey Explorer (WISE) và trạm quan sát bầu trời bằng kỹ thuật số Sloan (SDSS) của NASA.

Nhóm đã loại bỏ những yếu tố như các ngôi sao và thiên hà khỏi tập dữ liệu ban đầu, từ đó xác định chính xác hơn khoảng cách đến các chuẩn tinh. Họ cũng tạo ra một bản đồ hiển thị những nơi bụi, sao và các vật chất khác được cho là sẽ cản trở tầm nhìn một số chuẩn tinh. 

Cơ hội tìm hiểu vật chất tối và vũ trụ giãn nở

Chuẩn tinh được cung cấp năng lượng bởi các lỗ đen siêu lớn ở trung tâm các thiên hà và có thể sáng gấp hàng trăm lần so với toàn bộ thiên hà. Khi lực hấp dẫn của lỗ đen làm xoay khối khí gần đó, quá trình này tạo ra một đĩa cực sáng và đôi khi là những tia sáng mà kính thiên văn có thể quan sát được.

Các thiên hà nơi chuẩn tinh tồn tại được bao quanh bởi các quầng khổng lồ chứa vật chất vô hình gọi là vật chất tối. Bằng cách nghiên cứu các chuẩn tinh, các nhà thiên văn học có thể tìm hiểu thêm về vật chất tối, chẳng hạn như mức độ chúng kết tụ lại với nhau.

Họ cũng có thể sử dụng vị trí của các chuẩn tinh ở xa và các thiên hà chủ của chúng để hiểu rõ hơn về cách vũ trụ giãn nở theo thời gian.

"Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang sử dụng bản đồ chuẩn tinh để đo lường mọi thứ, từ những biến động mật độ ban đầu hình thành nên mạng lưới vũ trụ cho đến sự phân bổ các khoảng trống vũ trụ và chuyển động của Hệ Mặt trời của chúng ta trong vũ trụ", Storey-Fisher nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm