Hai ngày trước, Pacific Airlines đã phải trả hết tàu bay để giảm gánh nặng nợ với các chủ cho thuê. Một số đường bay của hãng phải thay đổi kế hoạch hoặc tạm dừng khai thác.
Trước tình hình này, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Pacific Airlines phải đảm bảo quyền lợi của khách hàng đã mua vé theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp chuyến bay bị hủy và khách hàng không có nhu cầu sử dụng dịch vụ, Pacific Airlines phải hoàn tiền, mà không được thu bất kỳ khoản tiền nào.
Cục cũng yêu cầu Pacific Airlines thực hiện tái cơ cấu đội bay, đưa tàu bay khai thác trở lại trong thời gian sớm nhất. Hãng cần báo cáo cho Cục biết phương án tái cơ cấu, kế hoạch khai thác trước ngày 22/3. Với các slot không sử dụng trong giai đoạn dừng khai thác, cơ quan quản lý cũng yêu cầu Pacific Airlines trả lại.
Trước đó, theo thông báo hôm 18/3, hãng hàng không này khẳng định sẽ sớm bay trở lại. Còn khách hàng đã mua vé sẽ được thông báo lịch bay mới, hoặc chuyển sang các chuyến của Vietnam Airlines.
Hãng hàng không giá rẻ sẽ thuê máy bay từ công ty mẹ - Vietnam Airlines để tối ưu hóa nguồn lực. Nhiều khả năng, hãng sẽ nhận từ Vietnam Airlines 3 tàu bay. Đây cũng là điều kiện tối thiểu với một hãng hàng không để duy trì giấy chứng nhận khai thác tàu bay (AOC).
Pacific Airlines thành lập từ 1991, là hãng hàng không cổ phần đầu tiên tại Việt Nam. Hãng hàng không giá rẻ này kinh doanh khó khăn trong nhiều năm qua. Giai đoạn 2018-2019, hãng có lãi vài chục tỷ đồng, nhưng sau đó quay trở lại thua lỗ do ảnh hưởng của Covid-19. Năm 2022, hãng này lỗ gần 2.100 tỷ đồng, giảm hơn 210 tỷ so với năm trước đó.
Sau khi nhận lại toàn bộ cổ phần từ cổ đông Qantas vào 2022, Vietnam Airlines sở hữu trên 98,8% tại Pacific Airlines. Từ đó đến nay, hãng hàng không quốc gia tìm nhà đầu tư mới cho hãng bay giá rẻ này và cũng được số bên quan tâm. Tuy nhiên, việc thoái vốn tại Pacific Airlines chưa thể thực hiện, do vướng một số quy định và thị trường hàng không vài năm qua không thuận lợi.