Nhà mồ mả học Alexandra Morton-Hayward, làm việc tại Đại học Oxford (Anh), dẫn đầu nhóm nghiên cứu thống kê số lượng não người được phát hiện trong hồ sơ khảo cổ trên thế giới.
Họ phát hiện 4.405 bộ não được bảo tồn từ 213 nguồn khác nhau trên mọi châu lục (trừ Nam Cực) có niên đại từ thế kỷ 17 trở đi.
Theo khảo cổ học, bảo tồn mô mềm khi cơ thể được chôn cất tự nhiên (không ướp xác hay đông lạnh) rất hiếm gặp. Các nghiên cứu phân hủy thực nghiệm trước đây chỉ ra rằng bộ não là một trong những cơ quan đầu tiên bị phân hủy khi con người chết đi.
Để hiểu mức độ hiếm của sự kiện này, nhóm của bà Morton-Hayward đã tìm kiếm các bộ não được bảo tồn trên khắp thế giới.
4.405 bộ não nói trên đến từ nhiều môi trường khác nhau, bao gồm một ngôi mộ tập thể thời nội chiến Tây Ban Nha, các sa mạc của Ai Cập cổ đại, nạn nhân bị hiến tế gần núi lửa Llullaillaco khoảng năm 1450, người Tollund sống vào khoảng năm 220 trước Công nguyên ở một đầm lầy, và bờ hồ Thụy Điển thời Đồ đá.
Điều kiện môi trường nơi những bộ não được tìm thấy - như tình trạng mất nước, đông lạnh, yếm khí (như trong vùng đầm lầy) và xà phòng hóa - có mối tương quan với cách bộ não được bảo tồn tự nhiên. Chúng khiến chất béo trong não trở nên giống sáp.
Đáng chú ý là trong số 4.405 bộ não nói trên, có 1.308 bộ não (chiếm gần 1/3) là cấu trúc mô mềm duy nhất còn sót lại trong cơ thể phân hủy hoàn toàn chỉ còn xương. Chúng cũng là những bộ não lâu đời nhất, lên đến 12.000 năm tuổi.
Theo nhóm nghiên cứu, điều này cho thấy có thể có một cơ chế bảo tồn mô mềm đặc biệt của hệ thần kinh trung ương. Cơ chế đó là gì vẫn là một dấu hỏi lớn, song các nhà nghiên cứu cho rằng nó có thể là sự tương tác giữa các phân tử não với thứ gì đó trong môi trường.
Các chuyên gia nhận định phát hiện này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử tiến hóa của loài người, cũng như những căn bệnh liên quan đến rối loạn thần kinh, nhận thức và hành vi cổ xưa.
Nghiên cứu được công bố ngày 20-3 trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences.