Theo báo cáo đầu tư tháng 12 của Chứng khoán VNDirect, các chỉ số đo lường lạm phát như CPI và PCE tiếp tục hạ nhiệt trong những tháng gần đây càng củng cố cho kỳ vọng của thị trường rằng lãi suất điều hành đang ở mức đỉnh của chu kỳ này. Theo khảo sát của CME GROUP, thị trường hiện đang nghiêng về kịch bản Fed sẽ dừng tăng lãi suất trong các cuộc họp tới và cắt giảm lãi suất vào quý II/2024.
Nền kinh tế Việt Nam ghi nhận đà phục hồi rõ rệt hơn trong tháng 11. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tiếp tục tăng 3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022 (mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 14 tháng sau khi đã loại trừ yếu tố Tết Nguyên đán).
Nhóm phân tích đánh giá điều này cho thấy đà phục hồi của lĩnh vực sản xuất đã cải thiện đáng kể trong 2 tháng gần đây, được thúc đẩy bởi sự gia tăng số lượng đơn đặt hàng mới nhờ triển vọng tích cực hơn ở thị trường Mỹ. Trong khi đó, lĩnh vực tiêu dùng tăng tốc trở lại sau giai đoạn trầm lắng.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 11 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp tốc độ tăng trưởng (theo năm) cải thiện và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 5/2023.
Áp lực tỷ giá VND hạ nhiệt khi Fed có quan điểm bớt diều hâu về chính sách tiền tệ. Sau khi Fed giữ nguyên lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 11, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và chỉ số DXY đã đồng loạt hạ nhiệt. Tính đến ngày 28/11, DXY đã hạ nhiệt về 102,8 điểm, giảm 3,9% so với mức đỉnh gần nhất ngay trước cuộc họp tháng 11 của Fed. DXY yếu hơn đã kéo tỷ giá USD/VND xuống 24.240, giảm 1,4% so với mức đỉnh gần nhất vào ngày 26/10 và thu hẹp mức tăng so với đầu năm xuống còn 2,6%.
VNDirect nhìn nhận lãi suất tiền gửi giảm sâu sẽ hướng dòng tiền tới các kênh có lợi suất đầu tư cao hơn.
Bình quân lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại trong tháng 11 giảm 0,2 điểm % so với tháng trước xuống 5,14%/năm, khiến cho chênh lệch giữa tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-Index và lãi suất tiền gửi ngân hàng ngày càng được nới rộng.
Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ tăng trở lại trong tháng 12, với khoảng gần 20.200 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, cao hơn đáng kể so với 2 tháng trước.
Thị trường bất động sản đón nhận thông tin Quốc hội chính thức thông qua Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi và Luật nhà ở sửa đổi. Cùng với những chính sách khác, thị trường bất động sản được kỳ vọng từng bước hồi phục từ 2024.
Tại thị trường hàng hóa, giá vàng chứng kiến nhịp tăng mạnh trong tháng 11 sau khi Fed ngừng tăng lãi suất điều hành trong 2 kỳ họp liên tiếp. Ngược lại, giá dầu thô giảm mạnh trong tháng 11 do nhu cầu tiêu thụ yếu và dư thừa nguồn cung.
Đối với thị trường chứng khoán, VNDirect đánh giá VN-Index có dấu hiệu tạo đáy trong tháng 11 khi thị trường đã giao dịch phá vỡ được kênh song song hướng xuống.
Kịch bản cơ sở là VN-Index giao dịch tích lũy hướng lên trong vùng 1.080 - 1.150 điểm trong tháng 12 nhờ 4 động lực chính: Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ đang trong xu hướng giảm; Trung Quốc tung ra các gói giải cứu thị trường bất động sản; áp lực tỷ giá trong nước hạ nhiệt tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ; ngành sản xuất và xuất khẩu xuất hiện tín hiệu phục hồi rõ nét hơn.
Rủi ro liên quan tới diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ là rủi ro lớn nhất hiện nay. Nếu lãi suất trái phiếu Mỹ quay đầu và vượt đỉnh có thể khiến VN-Index mất vùng cân bằng và quay trở lại điều chỉnh tìm đáy mới.
Trong ngắn hạn, thị trường đang dần vận động lành mạnh hơn so với tháng 11. Tuy nhiên, chỉ số đang tiệm cận kháng cự quanh các đường trung bình 50 ngày , 200 ngày, nên VNDirect khuyến nghị các nhà đầu tư hạn chế giao dịch với đòn bẩy hoặc tỷ trọng cổ phiếu quá cao. Trong trung và dài hạn, thị trường đang ở vùng định giá hấp dẫn và nhà đầu tư có thể tiếp tục giải ngân tích sản định kỳ các nhóm ngành có triển vọng tích cực.
Dự báo EPS toàn thị trường tăng trưởng 3,7% năm 2023 và 18% năm 2024. EPS tăng trưởng năm 2024 được cải thiện đáng kể nhờ các yếu tố: Kinh tế tiếp tục phục hồi nhờ động lực chính từ mảng sản xuất và xuất khẩu; các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ tiếp tục được đẩy mạnh; mặt bằng kết quả kinh doanh trong 2023 đạt thấp.
P/E của VN-Index hiện tại được giao dịch ở mốc 13,6 lần (20/11). Dựa trên kỳ vọng EPS thị trường phục hồi trong quý IV/2023 và mức P/E forward 2023 tương đương mức hiện tại, các chuyên gia cho rằng mức hợp lý của chỉ số cuối 2023 là 1.140 - 1.150 điểm.
Đối với 2024, kỳ vọng P/E của VN-Index sẽ phục hồi về mức trung bình 5 năm là khoảng 15 lần do thị trường tài chính trở lại điều kiện bình thường trong khi EPS tăng trưởng tích cực và qua đó VN-Index có thể đạt vùng 1.400 - 1.450 điểm trong năm sau.
Báo cáo tháng 12 đưa ra đánh giá một số câu chuyện đầu tư như tại ngành ngân hàng, đầu tư công và tín hiệu tích cực dòng vốn FDI.
Kỳ vọng nền kinh tế sẽ hồi phục trong giai đoạn cuối năm 2023 nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục được duy trì với môi trường lãi suất thấp. Ngành ngân hàng, vốn nhạy cảm với lãi suất có thể sẽ là cơ hội tốt để đầu tư với định giá hấp dẫn.
Tăng trưởng tín dụng dự kiến tăng tốc trong những tháng cuối năm nhờ ngành sản xuất phục hồi với việc đơn hàng từ các thị trường quốc tế lớn tăng trong dịp cuối năm; ngành xây dựng tiếp tục đà tăng trưởng với việc đầu tư công được đẩy mạnh; tiêu dùng cá nhân phục hồi trong dịp lễ tết cuối năm.
Môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì do áp lực tỷ giá đã không còn quá mạnh, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Giải ngân đầu tư công tăng trưởng tích cực và dự kiến duy trì qua 2024. Theo kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2024 do Bộ Tài chính cung cấp, chi đầu tư phát triển là 677.000 tỷ đồng chưa bao gồm số dư còn phải giải ngân từ năm 2023 chuyển sang.
Nếu giả định 89% kế hoạch Chính phủ sẽ được giải ngân, sẽ còn lại 83.000 tỷ đồng bổ sung vào tổng vốn đầu tư công mục tiêu năm sau. Từ đó, tổng vốn mục tiêu giải ngân năm 2024 sẽ là 760.000 tỷ đồng, cao hơn 5% so với mục tiêu của Chính phủ năm 2023.
Cuối cùng, kể từ đầu năm 2023 đã có hàng loạt dự án FDI được ký kết với tổng vốn đầu tư liên tục gia tăng. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp điện tử là lĩnh vực chủ chốt thu hút dòng vốn FDI với những các đầu tư tiêu biểu như: Foxconn, LG Innotek, Goertek, Victory Giant Tech…