Doanh nghiệp

"Sản phẩm OCOP có thể vươn ra thị trường thế giới"

Bún phở khô Phương Anh là một trong những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP nổi bật của Bình Định. Từ chỗ sản xuất theo quy mô hộ gia đình, cơ sở này đầu tư đổi mới công nghệ, đưa sản phẩm xuất khẩu tại nhiều quốc gia. Bà Đào Thị Thức - Giám đốc doanh nghiệp chia sẻ việc tận dụng cơ hội để phát triển sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới.

- Vì sao doanh nghiệp quyết định thay đổi mô hình kinh doanh từ hộ gia đình sang quy mô lớn?

- Chúng tôi bắt đầu kinh doanh bún, phở khô từ năm 2002. Chủ yếu là quy mô nhỏ. Trong quá trình này, chúng tôi nhận thấy thực phẩm là một trong những sản phẩm thiết yếu, nên nhu cầu không bao giờ hết, dung lượng thị trường luôn tăng. Việc mở rộng qui mô sản xuất là bắt buộc để phù hợp với thị trường luôn đòi hỏi tăng nhanh chất lượng và số lượng.

Năm 2009, chúng tôi đã bắt đầu đầu tư máy móc, thiết bị, thuê nhân công mở rộng quy mô sản xuất mỗi ngày lên mức 300-500 kg sản phẩm. Đến năm 2019, khi tìm được thêm các kênh tiêu thụ mới, chúng tôi tiếp tục nâng cấp hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất, đóng gói, mở rộng nhà xưởng, sử dụng nguyên liệu cao cấp. Cho đến năm 2021, chúng tôi đã chi hơn 2 tỷ đồng để mở rộng quy mô. Năm 2023, cơ sở mạnh dạn đầu tư thêm dây chuyền đóng gói sản phẩm với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng, trong đó Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Định hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương.

Vì vậy nên Phương Anh cũng không thể ngoại lệ, phải nâng cấp sản lượng và cải tiến chất lượng sản phẩm rất nhiều để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Và bằng chứng cho thấy thì chúng tôi đã bắt đầu xuất khẩu vào những năm 2019 cho đơn hàng Indonesia đầu tiên, rồi sau đó là các nước phát triển, tiên tiến hơn như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Bà Đào Thị Thức - Giám đốc Bún phở khô Phương Anh (giữa) nhận vinh danh Thương hiệu vàng chất lượng quốc tế năm 2020. Ảnh: nhân vật cung cấp

Bà Đào Thị Thức - Giám đốc Bún phở khô Phương Anh (giữa) nhận vinh danh "Thương hiệu vàng chất lượng quốc tế" năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Năng lực sản xuất trước và sau của đơn vị khi mở rộng quy mô ra sao?

- Lúc trước mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 300kg. Thị trường tiêu thụ là chợ địa phương và các vùng lân cận. Hiện nay, chúng tôi năng lực sản xuất tăng nhiều lần, công suất tối đa từ 2-2,5 tấn mỗi ngày. Công suất thông thường là 1-1,5 tấn một ngày.

Cũng nhờ đầu tư nâng cấp sản phẩm, năm 2019, chúng tôi xuất lô hàng đầu tiên sang Indonesia từ lời mời của đối tác. Sau đó, may mắn là các sản phẩm bún, phở khô Phương Anh tiếp tục có những đơn hàng đến thị trường khó tính hơn như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đến nay, các sản phẩm xuất khẩu đã chiếm 80% trong tổng sản lượng.

Ngày trước, chúng tôi không dám nghĩ tới chuyện xuất hàng hóa cả container. Nhưng nay việc đó đã thành hiện thực.

- Đâu là yếu tố giúp thương hiệu chinh phục thị trường?

- Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, chúng tôi có những công thức riêng. Đầu tiên là lựa chọn nguồn nguyên liệu đầu vào. Nguyên liệu ở miền Trung hay Bình Định khác với nguyên liệu của các vùng đồng bằng lớn như miền Tây, miền Bắc. Điều này giúp cho sản phẩm có nét đặc trưng riêng, mang dấu ấn địa phương. 100% các sản phẩm bún phở của chúng tôi sử dụng gạo nguyên liệu chế biến là ĐV 108 - giống lúa gạo nổi tiếng của Bình Định. Ngoài ra công thức sản xuất của cơ sở cũng sẽ khác như thời gian ngâm gạo, thời gian ủ bún, thành phần sản phẩm, tỉ lệ gạo, muối...

Nhưng để chinh phục thị trường quốc tế cũng là một thử thách. Từ bán ở chợ huyện đến kinh doanh nước ngoài là một hành trình dài. Chúng tôi cũng có những hợp đồng thất bại. Đổi lại chúng tôi dần biết cách làm sản phẩm tốt hơn. Chúng tôi nắm được cần phải nâng cấp máy móc nào, cải thiện chất lượng ra sao, cách chọn nguyên liệu, mẫu mã bao bì.

Đặc biệt, chất lượng thành phần sản phẩm phải đảm bảo, an toàn tuyệt đối, không chứa chất bảo quản, không chứa bất kỳ hóa chất nào, gạo không biến đổi gen... những vấn đề đó được chúng tôi đảm bảo 100% cho khách hàng. Hiện nay, sản phẩm bún phở khô xuất khẩu của đơn vị đã hợp chuẩn ISO 22000, Halal - chứng nhận tiêu chuẩn vào thị trường các nước Hồi giáo... Ngoài ra, chúng tôi đang hướng đến chứng nhận hợp chuẩn FDA để có thể lưu hành đi vào thị trường Mỹ, hợp chuẩn BRC - tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp hội bán lẻ Anh quốc thiết lập.

Sản phẩm bún tươi của đơn vị. Ảnh: Bún phở khô Phương Anh

Sản phẩm bún tươi của doanh nghiệp. Ảnh: Bún phở khô Phương Anh

- Vì sao doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm ra thị trường thế giới?

- Có nhiều lợi ích khi đưa sản phẩm ra nước ngoài. Đầu tiên là để khẳng định thương hiệu, sản phẩm của người Việt Nam đủ chất lượng đáp ứng trên thị trường thế giới. Đặc biệt là Bình Định có sản phẩm đặc trưng, mang nét riêng. Đưa ra thế giới cũng là cách giới thiệu văn hóa đất võ.

Tiếp theo, việc xuất khẩu giúp cho doanh nghiệp được tăng sản lượng lên rất lớn. Như tôi đã nói, trước đây mỗi ngày chỉ làm 300kg, nay đã đến vài tấn. Tính thanh khoản của việc xuất khẩu cũng khá tốt. So với những kênh nội địa thì tính thanh khoản tốt hơn nhiều, giúp cho dòng tiền của doanh nghiệp được tối ưu hơn.

- Cơ sở có kế hoạch gì trong tương lai?

- Trong 5 năm tới, Phương Anh sẽ có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất quy mô lớn tại Bình Định. Chúng tôi cũng tiếp tục cải tiến quy trình sản xuất nghiêm ngặt hơn nữa, mở rộng dải sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường và tiếp tục hướng tới các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe hơn.

Chúng tôi kỳ vọng mở rộng thị trường sang châu Âu, châu Mỹ, Australia. Đây là cơ sở để chúng tôi mở rộng hoạt động, tạo việc làm cho người dân Bình Định, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm