Đóng cửa, VN-Index giảm 12,82 điểm (1,08%) còn 1.177,4 điểm, HNX-Index giảm 2,67 điểm (1,19%) còn 222,63 điểm, UPCoM-Index giảm 0,51 điểm (0,58%) xuống 87,51 điểm.
VN-Index đóng cửa ở mốc 1.177,4 điểm, giảm gần 13 điểm tương đương 1,08%. Lực bán hầu như duy trì trong cả phiên giao dịch và đến phiên chiều thì gia tăng, dù vậy thị trường vẫn giữ được vùng hỗ trợ trung hạn MA200 (1.175 điểm). Đóng cửa, thị trường ghi nhận 599 mã giảm giá, 308 mã tăng giá và 181 mã đứng giá tham chiếu.
Tính riêng trên HOSE, phe bán áp đảo với số mã giảm gấp 3 lần số mã tăng. Dòng tiền chuyển động nhanh hơn khiến thanh khoản phiên chiều có sự cải thiện. Tổng khối lượng giao dịch trên toàn thị trường đạt gần 883 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 19.320 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trên HOSE tăng 12% so với phiên trước lên gần 15.600 tỷ đồng.
Hầu hết các nhóm ngành đều giảm điểm trong phiên giao dịch ngày hôm nay, các lĩnh vực giảm mạnh nhất là bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, phân bón – hóa chất, thép. Chiều ngược lại, một số cổ phiếu ngành viễn thông, bán lẻ, hàng không như FPT, MWG, HVN, SCS, … nỗ lực lội ngược dòng giúp thị trường không giảm sâu.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 5,95 điểm (0,5%) xuống 1.184,27 điểm, HNX-Index giảm 1,5 điểm (0,65%) về 223,81 điểm, UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (0,03%) đạt 88,05 điểm.
Phiên giao dịch sáng nay diễn biến lình xình với sự phân hóa diễn ra tại hầu hết các nhóm cổ phiếu, sự thiếu vắng dòng cổ phiếu dẫn dắt khiến các chỉ số giằng co trong biên độ hẹp. Về cuối phiên sáng, áp lực bán từ nhóm vốn hóa vừa và nhỏ gia tăng khiến VN-Index giảm gần 6 điểm. Toàn thị trường ghi nhận 470 mã giảm giá, 283 mã tăng và 194 mã đứng giá tham chiếu.
Thanh khoản thị trường cũng duy trì ở mức thấp với khối lượng giao dịch đạt gần 349 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 7.550 tỷ đồng; trong đó riêng giao dịch khớp lệnh trên HOSE ghi nhận 5.890 tỷ đồng, giảm 7% so với phiên trước.
Cổ phiếu BID đảo chiều giảm 1,4% kết phiên sáng, vượt qua VHM trở thành gánh nặng lớn nhất thị trường phiên sáng nay. Dù vậy, sắc xanh từ TCB, MWG, FPT, PLX góp phần giữ nhịp thị trường.
Sau phiên hồi phục, cổ phiếu bất động sản gặp áp lực bán trở lại ngay từ đầu phiên sáng nay. QCG giảm 3,9% về 16.000 đồng/cp, cùng chiều, NLG, VHM, NVL, DIG, GVR, TCH, CEO, LDG, PDR, ITA mất hơn 2% thị giá.
Tương tự, nhóm ngân hàng cũng suy yếu với nhiều mã giao dịch dưới ngưỡng tham chiếu như EVF (-2,6%), MBB (-2,2%), OCB (-1,5%), BID (-1,4%), SHB (-1,3%), CTG (-1,2%), NVB (-1,1%), …
Tính đến 9h30, VN-Index tăng 0,74 điểm (0,06%) lên 1.190,96 điểm, HNX-Index giảm 0,03 điểm (0,01%) xuống 225,28 điểm, UPCoM-Index tăng 0,25 điểm (0,28%) đạt 88,27 điểm.
VN-Index đóng cửa phiên đầu tuần hình thành mẫu nến “spinning” sau nhịp mở gap tăng điểm, đi cùng với thanh khoản sụt giảm cho thấy đà hồi phục chững lại, không quá thuyết phục. Mặc dù phiên tăng điểm đã giải tỏa bớt một phần áp lực bán và đưa trạng thái thị trường bớt tiêu cực hơn, diễn biến giằng co cung - cầu được dự báo có thể tiếp diễn trong các phiên tới.
Bước sang phiên sáng nay, VN-Index mở cửa xanh nhẹ trên tham chiếu. Sau khoảng 30 phút giao dịch, xu hướng biến động chính của thị trường vẫn là giằng co.
Tại nhóm vốn hóa lớn, TCB tăng mạnh nhất rổ VN30 với tỷ lệ 2,2%, trong khi MWG, SAB, VIB, VPB, BID, MSN, PLX, VCB xanh nhẹ trên tham chiếu. Chiều ngược lại, VHM tiếp tục là lực cản chính của thị trường khi giảm 1,4% còn 40.850 đồng/cp, trong khi VJC, HDB, TPB, SSB, VIC, VRE giảm dưới 1%.
Sự vận động của các nhóm ngành tương đối phân hóa. Sắc xanh của cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, hóa chất, bán lẻ, ... góp phần nâng đỡ cho thị trường chung, trong khi đó nhóm bất động sản, xây dựng, du lịch, vận tải, ... đang tạo sức ép điều chỉnh lên các chỉ số.
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ đã phục hồi sau khi xung đột Trung Đông có dấu hiệu lắng xuống và cổ phiếu công nghệ quay đầu tăng. Ngoài ra, thị trường cũng đang chờ đợi các báo cáo kết quả kinh doanh và dữ liệu kinh tế quan trọng.
Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 22/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 254 điểm, tương đương 0,67% và đóng cửa với 38.240 điểm. Chỉ số S&P 500 đi lên 0,87% và chốt phiên ở mức 5.011 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,11% lên 15.451 điểm. Cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều kết thúc chuỗi 6 ngày giảm điểm liên tiếp.