Phân tích về các động lực tăng trưởng của Việt Nam tại sự kiện Công bốĐiểm lại – Cập nhật Tình hình kinh tế Việt Nam sáng ngày 23/4, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, trong quý I, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,66% so cùng kỳ năm trước chủ yếu do xuất khẩu hàng hóa phục hồi mạnh mẽ, tăng 17,2% nhờ xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu tăng mạnh.
Trong khi tăng trưởng về tiêu dùng (tăng 4,9%) và đầu tư ( tăng 4,7%) vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng được thấy trong giai đoạn trước đại dịch (tương ứng là 7,1 và 6,2% so với cùng kỳ năm trước).
Cơ hội và rủi ro
Về triển vọng, WB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam là 5,5% trong năm 2024 và sẽ tăng lên 6,0% trong năm 2025.
Trong khi đó, lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ từ mức bình quân 3,2% năm 2023 lên 3,5% trong năm nay, chủ yếu do giá cả các mặt hàng được Nhà nước quản lý như giáo dục và y tế dự kiến sẽ tăng, đóng góp tương ứng 6,2% và 5,4% về trọng số cho giỏ hàng hóa tính CPI.
Sau đó, lạm phát CPI sẽ giảm còn 3,0% trong năm 2025 và 2026 do kỳ vọng về giá cả năng lượng và nguyên liệu sẽ ổn định.
Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, cho hay dự báo này được trên giả định xuất khẩu các mặt hàng chế tạo sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2024 khi nhu cầu trên toàn cầu từng bước được cải thiện; thị trường bất động sản được dự báo sẽ xoay chiều vào cuối năm 2024 và trong năm 2025 khi tình trạng đóng băng ở thị trường trái phiếu có dấu hiệu được giải tỏa.
“Trong điều kiện xuất khẩu và thị trường bất động sản từng bước phục hồi, nhu cầu trong nước sẽ theo hướng tăng trở lại khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng lấy lại lòng tin, dự kiến tổng đầu tư cũng như tiêu dùng tư nhân (theo giá so sánh) sẽ tăng tương ứng ở mức 5,5% và 5,0%”, bà Dorsati Madani đánh giá.
Bên cạnh những cơ hội, vị chuyên gia này cũng chỉ ra những rủi ro và thách thức đối với kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, ở bên ngoài, tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu của nước ngoài đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị và thiên tai liên quan đến khí hậu gia tăng sẽ làm tăng rủi ro cho Việt Nam.
Bà Dorsati Madani nhấn mạnh, ở trong nước, tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản không được như dự báo có thể ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và đầu tư của khu vực tư nhân. Chất lượng tài sản trong khu vực tài chính tiếp tục xấu đi do thị trường bất động sản suy giảm có thể ảnh hưởng xấu đến triển vọng tăng trưởng khi vốn dự phòng, đặc biệt của một số ngân hàng thương mại quốc doanh lớn, đang tương đối mỏng.
Các giải pháp ngắn hạn và dài hạn
Nhìn theo hướng tích cực, ông Sebastian Eckardt, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB về Kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư cho rằng, tăng trưởng toàn cầu cao hơn dự kiến sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam phục hồi mạnh hơn dự kiến.
Do đó, trong thời gian tới, các hỗ trợ chính sách nên được tiếp tục để thúc đẩy phục hồi kinh tế như đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ hỗ trợ cho tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách thiếu hụt về hạ tầng đang phát sinh.
“Đầu tư vào các dự án hạ tầng công tạo ra nhiều lợi ích lâu dài bên cạnh việc kích thích kinh tế ngay lập tức. Nỗ lực tăng cường quản lý đầu tư công cũng sẽ giải quyết những điểm nghẽn cơ sở hạ tầng quan trọng về năng lượng, giao thông và hậu cần, vốn là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam”, ông Sebastian Eckardt khuyến nghị.
Về chính sách tiền tệ, dư địa để tiếp tục cắt giảm lãi suất đã trở nên hạn chế hơn, do chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế và do áp lực có thể gây ra đối với tỷ giá. Cùng với việc thu ngân sách có khả năng còn tiếp tục yếu trong khi chi tiêu công được đẩy mạnh, bao gồm tăng lương cho công chức theo kế hoạch và đẩy nhanh đầu tư công, thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng lên 1,6% GDP vào năm 2024, trước khi giảm xuống 1,1% vào năm 2025, phù hợp với Chiến lược Tài khóa giai đoạn 2021 - 2030.
Do đó, đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính vẫn là điều quan trọng nhất, trong đó tập trung quản lý rủi ro tiềm ẩn liên quan đến nợ xấu gia tăng, bao gồm cả nguyên nhân do giá trị tài sản giảm trên thị trường bất động sản.
"Vùng đệm vốn của các ngân hàng thương mại hiện tương đối mỏng và sự suy giảm của thị trường bất động sản có thể khiến nguồn vốn của các ngân hàng này sụt giảm thêm", ông Sebastian Eckardt lưu ý.
Trong dài hạn, ông Sebastian Eckardt cũng cho rằng, ngoài cung cấp các gói hỗ trợ kinh tế trong ngắn hạn, cải cách cơ cấu cần được triển khai nhằm tăng cường môi trường quản lý nhà nước trong các dịch vụ trọng yếu (công nghệ thông tin và truyền thông, điện lực, vận tải) để xanh hóa nền kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, và cải thiện môi trường kinh doanh, bao gồm thông qua hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.