Tài chính

VN-Index đã 7 lần "thủng" mốc 1.100 điểm trong năm 2023

Chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch đầu tuần 18/12 kém tích cực. Áp lực bán dâng cao trong khi bên mua tỏ ra yếu ớt khiến VN-Index ghi nhận sắc đỏ trong phần lớn thời gian. Đà giảm của VN-Index đồng pha với diễn biến của các chỉ số chứng khoán trong khu vực như như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… Đóng cửa, VN-Index giảm 10,42 điểm (-0,95%) xuống 1.091,88 điểm, một lần nữa để mất mốc 1.100 điểm.

VN-Index đã 7 lần "thủng" mốc 1.100 điểm trong năm 2023 - Ảnh 1.

Mặc dù là kháng cự quan trọng song nhà đầu tư không còn phản ứng quá tiêu cực trong phiên giao dịch, cảm xúc một phần "chai lỳ" bởi thực tế, VN-Index đã có tới bảy lần để "thủng" ngưỡng điểm này trong năm 2023. Trong số những lần để mất mốc điểm 1.100 trước đó, hầu hết thị trường đều ghi nhận một nhịp chỉnh sâu, "khốc liệt" nhất là phiên 26/10 khi VN-Index đánh rơi hơn 46 điểm.

VN-Index đã 7 lần "thủng" mốc 1.100 điểm trong năm 2023 - Ảnh 2.

Những phiên giao dịch VN-Index để thủng mốc 1.100 điểm trong năm 2023

Ngoài ra sự cẩn trọng về rủi ro ngắn hạn còn hiện hữu khiến nhà đầu tư cũng không vội vàng "bắt đáy", chờ đợi thị trường xác nhận xu hướng rõ ràng hơn trước khi quyết định xuống tiền. Minh chứng là giao dịch trên toàn thị trường tương đối ảm đạm, giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE chỉ xấp xỉ 10.500 tỷ đồng.

Hiện thị trường đang trải qua giai đoạn trống thông tin. Mùa kết quả kinh doanh quý 4 chưa tới, các thông tin hỗ trợ trước đó đã phản ánh vào giá. Ngược lại, thị trường cũng không đón nhận luồng thông tin nào quá tiêu cực. Giao dịch giằng co là khó tránh khỏi. Tiền nội dè dặt trong khi khối ngoại vẫn đều đặn gây áp lực khiến thị trường khó bứt phá.

Đặc biệt, áp lực bán từ nhà đầu tư nước ngoài khiến thị trường mất thêm một lực đỡ. Đã 6 tuần liên tiếp khối ngoại "xả hàng" trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thậm chí không ít phiên giao dịch ghi nhận giá trị bán ròng hàng nghìn tỷ đồng. Tính chung từ đầu năm 2022 tới hiện tại, giá trị bán ròng của khối ngoại xấp xỉ 21.000 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó bán ròng 23.400 tỷ đồng trên sàn HoSE. Điều này càng gia tăng áp lực cho chỉ số VN-Index.

VN-Index đã 7 lần "thủng" mốc 1.100 điểm trong năm 2023 - Ảnh 3.

Câu chuyện đang được chờ đợi nhất là việc hệ thống mới KRX liệu có kịp đi vào vận hành theo đúng kế hoạch. Hệ thống mới đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thị trường hoàn thiện các tiêu chí để nâng hạng từ cận biên lên mới nổi. Đây cũng được kỳ vọng là yếu tố then chốt góp phần thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai.

Triển vọng thị trường tươi sáng trong năm 2024

Đánh giá về triển vọng thời gian tới, ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Khối nghiên cứu và Phân tích đầu tư FIDT cho rằng lợi nhuận thị trường năm sau sẽ là điểm sáng. Nếu so sánh với các thị trường mới nổi hay thị trường cận biên, thì câu chuyện VN-Index năm sau sẽ tăng trưởng rất tốt. Ngoài ra, nền lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp và chính sách tiền tệ sẽ là nhân tố tích cực hỗ trợ chính của thị trường chứng khoán 2024

Về định giá, Giám đốc FIDT nhận định P/E thị trường hiện tại đang được đánh giá rất rẻ, nhưng khi phân tách ngành, ông Phương cho biết sẽ có những nhóm khá cao như nhóm phi tài chính, còn rủi ro của nhóm ngân hàng và bất động sản đã phản ánh vào định giá và kỳ vọng cho sự phục hồi khi rủi ro giảm dần, riêng thị trường bất động sản dù tiếp tục hồi phục trong năm 2024 nhưng rủi ro vẫn hiện hữu.

Chuyên gia FIDT đưa ra 3 kịch bản chỉ số VN-Index 2024, trong đó kịch bản cơ sở với VN-Index đạt 1.300 điểm, biên độ dao động là +/- 20 điểm, xác suất xảy ra 65%; kịch bản tích cực với VN-Index đạt 1.420 điểm, biên độ dao động là +/- 30 điểm, xác suất xảy ra 15% và kịch bản tiêu cực với VN-Index đạt 1.150 điểm, biên độ dao động là +/- 20 điểm với xác suất 15%.

Trong khi đó, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định diễn biến chung trên thị trường chứng khoán trong trung hạn nhiều khả năng sẽ là những nhịp tăng giảm đan xen đi cùng sự phân hóa mang tính "tách tốp" ở các ngành giữa các các doanh nghiệp đầu ngành với triển vọng kinh doanh ổn định và sức chịu đựng tốt hơn so với phần còn lại trong ngành đó. Về dài hạn, Việt Nam sẽ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 và tiếp tục duy trì sức hút lớn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII).

Theo VCBS, xu hướng của VN-Index kể từ giai đoạn dịch Covid-19 thường đồng pha với xu hướng biến động của mặt bằng lãi suất. Chỉ số VN-Index được dự báo có thể lên mức cao nhất quanh vùng 1.300 điểm trong năm 2024. Tuy nhiên, thị trường có khả năng sẽ ghi nhận những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ giữa những nhịp tăng điểm trong bối cảnh chịu tác động từ cả yếu tố hỗ trợ tích cực lẫn những tác động tiêu cực từ các rủi ro kinh tế vĩ mô toàn cầu vẫn đang hiện hữu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm