Ngày 16/6, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.
Thông tin từ Thanh Niên, theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và UBND TP Hà Nội đã nhận được đề xuất của các nhà đầu tư tiềm năng mong muốn được tham gia thực hiện dự án vành đai 4 như Vingroup (nhà đầu tư đề xuất dự án), T&T, Him Lam, DIC…
Các doanh nghiệp đều có cam kết đối với việc huy động vốn nhà đầu tư trên thị trường và khẳng định tính khả thi của dự án khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Như vậy, khả năng huy động vốn của doanh nghiệp dự án sẽ được bảo đảm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng báo cáo, việc đánh giá cụ thể năng lực tài chính của nhà đầu tư sẽ được tiếp tục thực hiện tại bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời, qua kết quả tính toán sơ bộ về phương án tài chính có các thông số bảo đảm khả thi, thời gian hoàn vốn 21 năm. Do đó, việc áp dụng phương thức đầu tư PPP đối với dự án thành phần 3 là có cơ sở.
Dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có tổng đầu tư 85.813 tỷ đồng với chiều dài 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án vành đai 4 khoảng 1.341 ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 816 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258 ha, đất dân cư khoảng 58 ha và đất khác khoảng 209 ha. Quốc hội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, đường vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm nay, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ. Trong đó, dự án thành phần 3 được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư.