Chị Nguyễn Thị Thương (23 tuổi,Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết cách đây 1 tháng, chị đi ăn lẩu cua đồng với bạn bè. Vừa ăn được khoảng 15 phút chị Thương thấy người mẩn ngứa, khó chịu, tưởng mình dị ứng mì chính.
Tuy nhiên, 15 phút sau tình trạng nổi mề đay nhiều hơn và bị khó thở. Mọi người vội vàng đưa chị vào một bệnh viện tư nhân để cấp cứu. Bác sĩ nghi ngờ chị dị ứng cua đồng. Trước đó, chị Thương không bị dị ứng nhưng từ sau sinh con đi làm lại đây là lần đầu tiên chị ăn cua và đã bị dị ứng.
Trường hợp của chị Nguyễn Lê Ngọc (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng tương tự. Buổi chiều hôm trước cả nhà ăn cua đồng vẫn còn dư một ít. Chị Ngọc để lại tới sáng hôm sau đem nấu lại để ăn sáng.
Sau ăn sáng, chị đã bị khó thở, tim đập nhanh. Bác sĩ cho biết chị bị dị ứng với thức ăn mà thủ phạm là do bát cua đồng từ hôm trước để lại.
Các bác sĩ cho biết khi canh cua để lại qua đêm có thể các protein trong cua đã biến đổi sang một chất khác và cơ địa chị Ngọc dị ứng với kháng nguyên đó nên dẫn tới sốc dị ứng thức ăn.
Ảnh minh họa.
Mùa hè thì canh cua là món đưa cơm nhất trong các gia đình. Cua có thể kết hợp để chế biến thành nhiều món như nấu canh, làm bún riêu cua…
Theo bác sĩ Hoàng Sầm – VIện trưởng Viện Y học Bản địa Việt Nam, cua có hàm lượng dinh dưỡng cao và có nhiều khoáng chất tự nhiên có lợi cho cơ thể, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như suy giảm trí nhớ, tim mạch, thậm chí cả ung thư.Mùa hè thì canh cua là món đưa cơm nhất trong các gia đình. Cua có thể kết hợp để chế biến thành nhiều món như nấu canh, làm bún riêu cua…
Theo đó, trong 100g thịt cua đồng có protid 12,3g; lipid 3,3g; glucid 2g; canxi 120 mg; sắt 1,4mg; phosphor 171mg…. Trong đó, chất lượng protid có trong cua cũng thuộc loại tốt và có 8/10 axit amin cần thiết như lysine, methionie, valine, leucin, isoleucien, phenylalanine, threoninne và trytophane.
Cua đồng là thực phẩm giống như tôm, cá rất giàu potein. Các thực phẩm giàu protein càng dễ gây dị ứng. Nhiều người có thói quen tiếc giữ lại bát canh để trong tỷ lạnh hôm sau ăn nhưng thói quen này nguy hiểm vì canh cua giàu chất đạm, lại có vị tanh nên rất dễ bị các vi khuẩn có hại làm hỏng, gây ôi thiu sau khi tiếp xúc với môi trường.
Nhất là thời tiết nắng nóng hiện nay, thức ăn lại càng dễ bị nhiễm khuẩn hơn. Khi ăn vào có thể gây ngộ độc thực phẩm hoặc dị ứng với những dị nguyên mà thành phần protein đã biến đổi.
Bác sĩ Sầm cho biết kinh nghiệm sử dụng cua đồng là chọn cua sống, không ăn cua đã chết. Nên sử dụng cua trong ngày, ăn tới đâu rã đông tới đó. Ăn xong thừa bỏ đi. Đặc biệt, cua phải nấu chín vì trong cua có nhiều ký sinh trùng. Với người cơ địa dị ứng có thể ăn cua đồng với lá tía tô để giảm nguy cơ dị ứng.
Sở dĩ sử dụng thêm lá tía tô với canh cua phòng dị ứng, bác sĩ Sầm cho biết theo các nhà nghiên cứu, trong tía tô có chứa hàm lượng tinh dầu lớn. Chiết xuất từ loại rau này có khả năng chống oxy hóa cũng như bệnh dị ứng, trầm cảm. Những thành phần có trong loại rau này có khả năng ức chế sự kích thích chất histamin ở tế bào, hạn chế và giảm tình trạng viêm, dị ứng trên da.
Những người không nên ăn cua đồng là người bị dị ứng với cua, phụ nữ mang thai cũng được khuyến cáo nên hạn chế ăn cua, vì trong đông y cua có vị mặn, tính hàn, hơi độc, hoạt huyết là thuốc để chữa chứng đau ngã, sưng, làm tan máu kết cục… nên người có thai yếu, sảy thai không nên ăn vì sợ ảnh hưởng tới thai nhi. Những người bị hen, bị gút, bị đau bụng tiêu chảy… cũng được khuyến cáo không nên ăn cua đồng.