Sau những thông tin tích cực từ thị trường tài chính thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã có phiên giao dịch tích cực trong ngày 16/6. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index ghi nhận mức tăng 22,7 điểm (1,87%) lên mức 1.236,63 điểm. Tương tự bộ chỉ số HNX-Index còn tăng 4,52 điểm (1,6%) đạt 287,77 điểm. UPCoM-Index có thêm 0,68% lên 89,25 điểm.
Dù chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 16/6, nhưng với các cổ đông của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG), đây tiếp tục là một ngày giao dịch đáng quên khi mã cổ phiếu này giảm kịch sàn 2.900 đồng/cổ phiếu để đóng cửa ở mức giá 39.500 đồng/cổ phiếu, mức giá tương đương thị giá của DIG trong nửa đầu tháng 10/2021.
Khối tài sản của ông Nguyễn Thiện Tuấn và con trai Nguyễn Hùng Cường giảm mạnh cùng đà lao dốc của DIG từ đầu tháng 6 đến nay
Đây cũng là phiên giảm giá thứ 4 liên tiếp của DIG trong tuần giao dịch này trong đó có tới 3 phiên giảm sàn. Tính từ đầu tháng 6, DIG chỉ có đúng 2 phiên tăng giá và có tới 10 phiên giảm giá, trong đó có nhiều phiên giảm sàn đan xen nhau.
Từ đầu tháng 6 đến kết thúc phiên giao dịch ngày 16/6, thị giá của DIG đã giảm mạnh tới 35%, mức giảm của mã cổ phiếu này trở thành cơn ác mộng của các cổ đông khi chứng kiến tài sản đầu tư của mình liên tục “bốc hơi” trong những phiên giao dịch vừa qua.
Với việc đang sở hữu trực tiếp hơn 119,886 triệu cổ phiếu DIG, khối tài sản của Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn cùng vợ, con trai và con gái cũng đã ghi nhận mức giảm hơn 2.505 tỷ đồng kể từ đầu tháng 6 tới nay. Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 16/4, khối tài sản của gia đình đại gia người Thanh Hóa đang nắm giữ chỉ còn hơn 4.735 tỷ đồng.
So với mức giá đỉnh của DIG là 119.800 đồng thiết lập trong phiên giao dịch ngày 11/1, thị giá của DIG đã lao dốc tới gần 67%. Trong khi đó, nếu tính từ đầu năm 2022, thị giá của mã cổ phiếu này cũng đã ghi nhận mức giảm 59%.
Sau những ngày giảm mạnh của DIG, doanh nghiệp đã có công văn gửi Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam để xin cung cấp danh sách của đông chốt tại các ngày từ 31/5 đến 16/6 trong năm 2022.
Trong khi đó, nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch cuối tuần (17/6), chuyên gia của CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá về góc nhìn kĩ thuật, VN-Index sau khi chạm hỗ trợ mạnh đã có nhịp bật hồi quay trở lại, các chỉ báo như MACD, ADX, RSI cũng dần đi ngang và có xu hướng nhích dần lên cho thấy đà giảm đã chững lại. Trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ tiếp tục giao dịch sideway quanh khu vực 1.230 – 1.300 điểm.
Chuyên gia của CTCK Bản Việt (VCSC) dự báo trong phiên giao dịch cuối tuần, ngưỡng kháng cự MA5 ngày quanh 1.240 điểm sẽ đóng vai trò thúc đẩy lực bán, tạo áp lực lên chỉ số VN-Index. Theo đó, nhiều khả năng chỉ số sẽ xuất hiện nhịp giảm để kiểm định hỗ trợ đáy gần nhất tại vùng 1.210 - 1.215 điểm.
Nếu lực cầu được duy trì ổn định và mạnh lên từ hỗ trợ, giúp VN-Index thu hẹp mức giảm hoặc đảo chiều tăng về phía cuối ngày, chỉ số đại diện sàn HOSE có thể sẽ củng cố đà hồi phục để hướng lên mục tiêu tiếp theo tại 1.265 điểm, tạo bởi đường MA10 và MA20 ngày. Ngược lại, nếu lực bán chiếm ưu thế khiến VN-Index đóng cửa dưới 1.210 điểm, chỉ số sẽ có xu hướng kiểm định lại hỗ trợ đáy trung hạn quanh vùng 1.160 điểm.
CTCK Yuanta Việt Nam cũng cho rằng thị trường có thể quay trở lại đà giảm và chỉ số VN-Index có thể sẽ chưa thể vượt được vùng kháng cự 1.260 – 1.285 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao, đặc biệt thanh khoản suy yếu tại các nhịp hồi cho thấy thị trường vẫn đang ở giai đoạn hồi phục kỹ thuật và nhịp hồi phục có thể sẽ nhanh chóng kết thúc. Vùng hỗ trợ ngắn hạn của chỉ số VN-Index là 1.210 – 1.215 điểm.
Trong khi đó, các chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) dự báo trong phiên giao dịch cuối tuần sự giằng co có thể diễn ra giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.200 – 1.220 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1.240 – 1.260 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.