Tài chính

Loài bò sát quý hiếm được phát hiện ở Việt Nam: Chuyên gia Mỹ bối rối vì chưa gặp bao giờ

Loài rắn quý hiếm được phát hiện ở Việt Nam

Những ngọn núi đá vôi thấp thoáng được gọi là địa hình karst ẩn hiện giữa hệ thống sông, vịnh và thung lũng ở miền Bắc nước ta. Hệ sinh thái karst và những cánh rừng rậm rạp bao phủ địa hình này đã tạo nên môi trường sống mang lại sự đa dạng sinh học phong phú. Tại đây, phát hiện nhiều loài là đặc hữu của khu vực, có nghĩa là chúng chỉ tồn tại ở đó.

Vào năm 2019, tại khu vực này, một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về đa dạng sinh học đã tình cờ bắt gặp một loài rắn mới được mô tả là tuyệt đẹp.

Theo hãng tin CNN, thoạt nhìn, con vật có lớp vảy màu tối, nhưng khi có ánh sáng chiếu vào, lớp vảy sáng lấp lánh, chuyển qua giữa hai màu xanh lam và xanh lục. Vảy của loài rắn này khá nhỏ, có vân, trải rộng ra thay vì chồng lên nhau, không giống bất kỳ loài rắn nào được biết đến.

Các nhà khoa học dày dạn kinh nghiệm ban đầu rất bối rối vì không biết nó thuộc loài nào nhưng sau đó họ nhận ra rằng đây là loài rắn chưa từng được phát hiện trên thế giới.

"Đó là một khoảnh khắc thực sự thú vị", Aryeh Miller, nhà nghiên cứu thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên thuộc Viện Smithsonian (Mỹ), thành viên đoàn cho biết. "Mẫu vật trông rất khác biệt. Trên thực tế, khác biệt đến mức chúng tôi không thể đoán nhận ngay lập tức".

Phát hiện này đã được các nhà nghiên cứu từ Viện Smithsonian và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố trên tạp chí Copeia vào cuối năm 2020. Họ phát hiện ra con rắn bí ẩn ở tỉnh Hà Giang, phía bắc Việt Nam, giáp biên giới Trung Quốc và bước đầu nắm giữ một vài manh mối vật lý về sự xuất hiện nó: Loài này không có cơ quan thụ thể ánh sáng trong mắt, cho thấy nó đào hang dưới lòng đất hoặc sống bên dưới lá cây. Những loại rắn này đặc biệt khó phát hiện do chúng không sống trên mặt đất.

Loài bò sát quý hiếm được phát hiện ở Việt Nam: Chuyên gia Mỹ bối rối vì chưa gặp bao giờ - Ảnh 1.
Loài bò sát quý hiếm được phát hiện ở Việt Nam: Chuyên gia Mỹ bối rối vì chưa gặp bao giờ - Ảnh 2.

Mẫu vật rắn quý hiếm ở Việt Nam

Nhóm chuyên gia xác định, con rắn mới được phát hiện là một loài thuộc giống Achalinus quý hiếm, còn được gọi là "rắn vảy kỳ lạ". "Nó là một nhánh của một nhóm các loài có một số đặc điểm kỳ lạ", Tiến sĩ Kevin de Queiroz cho biết. "Những con rắn này có vảy khá nhỏ, lớp da bị lộ ra giữa những chiếc vảy".

Cho đến nay, chỉ có 13 loài được biết đến thuộc họ này, 6 trong số đó là từ Việt Nam.

Ông Nguyễn Quảng Trường, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết: “Trong 22 năm khảo sát các loài bò sát ở Việt Nam, tôi mới chỉ thu thập được 6 con rắn vảy kỳ lạ. Đây là một trong những nhóm bò sát ít được nghiên cứu nhất".

Ý nghĩa lớn

Loài rắn bí ẩn phát hiện ở Việt Nam được đặt tên là Achalinus zugorum, nhằm vinh danh người quản lý bò sát và động vật lưỡng cư đã nghỉ hưu ở Smithsonian George Zug và vợ ông, Patricia Zug. Chuyên gia này coi đây là một vinh dự đáng kinh ngạc vì Achalinus là một loài rắn độc nhất vô nhị.

Theo đánh giá của Viện Smithsonian, mẫu vật ở Hà Giang cung cấp thêm cái nhìn sâu sắc về sự phát sinh loài của Achalinus và phát hiện này cho thấy các khu rừng ở miền Bắc Việt Nam tiếp tục mang lại những khám phá về sự đa dạng sinh học rộng lớn.

Ngoài ra, do phân nhánh từ cây tiến hóa sớm hơn các nhóm khác nên loài rắn đào hang quý hiếm này có hình dáng và hành vi không giống nhiều loài rắn khác. Nhóm nghiên cứu hy vọng họ có thể thông qua loài này để thu thập thông tin mới về sự tiến hóa của loài rắn.

Các nhà nghiên cứu đã mang mẫu vật đến Smithsonian, để lấy mẫu và giải trình tự ADN và thêm nó vào kho lưu trữ sinh học. Achalinus cũng sẽ được gửi lại về Việt Nam để lập danh mục. Ông Trường cho biết, ông hy vọng phát hiện này sẽ thúc đẩy mọi người quan tâm hơn đến việc bảo tồn ở Việt Nam và bảo vệ đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái karst, trước nguy cơ từ khai thác đá, chặt phá rừng và săn bắt quá mức các loài.

Chuyên gia Miller nhấn mạnh: "Một số loài duy nhất của khu vực này đã biến mất trước khi chúng được mô tả".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm