Chiều 31/8, Chứng khoán HSC đã tổ chức buổi hội thảo trực tuyến với sự tham gia của ông Đồng Quang Trung - Trưởng ban Quan hệ Nhà đầu tư của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM).
Chia sẻ tại hội thảo về quá trình thay đổi nhận diện thương hiệu mới, ông Trung cho biết trong quý III, Vinamilk sẽ đưa bao bì mới cho dòng sản phẩm sữa tươi đến tất cả các đơn vị phân phối bao gồm kênh hiện đại và kênh phân phối.
Sang quý IV, Vinamilk sẽ đưa bao bì với bộ nhận diện thương hiệu mới cho dòng sản phẩm sữa chua và năm 2024 thay đổi bao bì cho các ngành hàng còn lại.
Ông Trung chia sẻ Vinamilk kỳ vọng việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu sẽ có tác động tích cực vào kết quả kinh doanh của công ty trong nửa cuối năm nay và biên lợi nhuận 6 tháng cuối năm có thể cao hơn cùng kỳ nhờ diễn biến thuận lợi của giá nguyên vật liệu.
"Nửa cuối năm nay nếu tình hình vĩ mô tốt lên cộng hượng với yếu tố giá đầu vào giảm sẽ là cơ hội tốt cho Vinamilk. 2022 có thể nói là đáy lợi nhuận của công ty và giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua",Trưởng ban Quan hệ Nhà đầu tư của Vinamilk nhận định.
Liên quan tới định hướng đẩy mạnh xuất khẩu, ông Trung cho biết hiện Vinamilk xuất chủ yếu qua thị trường Trung Đông - đây là các nước đang phát triển nên nhu cầu sử dụng sữa sẽ biến thiên theo tình hình kinh tế.
Năm 2022 và năm nay, tình hình lạm phát tại Trung Đông diễn biến phức tạp nên sức mua bị ảnh hưởng nhiều.
Đối với xuất khẩu sang Trung Quốc - là một thị trường mà Vinamilk quan tâm song ba năm qua doanh nghiệp không phát triển được vì chính sách quản lý dịch COVID-19 rất chặt của nước này. Sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới, Vinamilk đã tham gia hội chợ và cuối tháng 6, Vinamilk đã mang sản phẩm sữa đặc - một sản phẩm có thế mạnh, cao cấp để phục vụ phân khúc ngách.
Tình hình kinh doanh ở Campuchia vẫn đang thuận lợi và kỳ vọng sẽ tăng trưởng hai chữ số nửa cuối năm và các năm sau. Vinamilk hiện là công ty sản xuất sữa lớn nhất tại Campuchia. Trong khi các đơn vị cùng ngành chỉ nhập khẩu sữa vì Vinamilk có nhà máy sản xuất sữa với kênh phân phối lớn.
Về thị trường nội địa, ông Trung kỳ vọng trong 12 tháng tới sẽ tăng trưởng tốt hơn xuất khẩu vì tình hình vĩ mô ổn định hơn các quốc gia Vinamilk đang xuất khẩu.
Hoạt động xuất khẩu đóng góp khoảng 9% doanh thu. Trong bối cảnh VND đang mất giá, ông Trung cho biết hKhi xuất khẩu các hợp đồng được ký kết chi trả phần lớn bằng USD và đồng thời khi nhập khẩu cũng bằng USD nên sẽ dùng doanh thu để chi trả cho việc nhập khẩu nguyên liệu giúp giảm thiểu được rủi ro đồng nội tệ mất giá.
Về câu chuyện giá bột sữa giảm giá, ông Trung nhận định có thể diễn ra trong một thời gian tương đối do nguồn cung ổn định (Vinamilk nhập chủ yếu từ New Zealand) trong khi nhu cầu từ nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới (Trung Quốc) đã giảm rất mạnh trong vòng 1 năm qua do họ đã tăng tỷ lệ tự cung sữa nội địa.
Nhìn về tương lai, Vinamilk chưa nhận thấy có một sự kiện nào có thể dẫn đến sự đảo chiều nào về giá sữa bột.
Ông Trung nhận định với việc Trung Quốc liên tục tăng đàn bò thì xu hướng giá sữa bột có thể tiếp tục giảm thời gian tới. Với việc đánh giá giá sữa nguyên liệu có thể điều chỉnh sâu hơn, Vinamilk sẽ không quá vội vàng chốt giá và chời đợi thời điểm tốt để bắt đáy, đại diện Vinamilk thông tin.
Diễn biến giá sữa bột nguyên kem (bên trái) và sữa bột tách béo (bên phải). (Nguồn: Global Dairy Trade).
Theo chia sẻ của ông Trung, Vinamilk đang duy trì chính sách hàng tồn kho là 3 tháng, để đảm bảo cho dù có bất kỳ tình huống nào xảy ra thì doanh nghiệp vẫn có đủ nguyên liệu phục vụ người tiêu dùng.
Chính sách chốt giá cho nhiều loại nguyên vật liệu cũng có sự khác nhau. Trong nước, Vinamilk sẽ chốt được thời gian lâu hơn do doanh nghiệp có hệ thống trang trại và các hợp đồng mua độc quyền với các nông hộ.
Chính sách chốt giá nguyên vật liệu ở nước ngoài của Vinamilk sẽ linh động hơn. Nếu giá có xu hướng tăng, Vinamilk có thể chốt với thời gian dài hơn và ngược lại.
Với xu hướng hiện tại, đại diện Vinamilk đánh giá các nguyên vật liệu chính có tỷ trọng lớn đang điều chỉnh mạnh hơn so với nguyên vật liệu có tỷ trọng nhỏ. Do đó, vấn đề này có thể tác động tích cực lên biên lợi nhuận gộp và biên lãi ròng của công ty trong thời gian tới.
Hiện, Vinamilk đang tự chủ được về nguồn sữa tươi trong nước. Trong tương lai, khi trang trại tại Lào đi vào hoạt động và có kế hoạch tăng đàn tại đây thì tỷ lệ tự chủ sữa tươi có thể lên tới 60%. Khi tự chủ chốt hơn sẽ giúp Vinamilk tăng biên lợi nhuận và duy trì ổn định hơn khi giảm được những tác động từ thị trường thế giới và trong nước.