Việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ mang lại vị thế mới cho thị trường của Việt Nam và hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, các tờ báo và chuyên gia quốc tế đã kêu gọi cần chú trọng đến thị trường Việt Nam hơn nhằm tìm kiếm các cơ hội ở đây.
Tờ Bloomberg có bài với nhan đề "Nỗ lực nâng cấp thành thị trường mới nổi của Việt Nam". Tờ báo này cho rằng, Việt Nam là ứng cử viên hàng đầu để gia nhập hàng ngũ các thị trường mới nổi, khi nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á, được công nhận là trung tâm sản xuất toàn cầu, và thị trường chứng khoán đã ghi nhận mức tăng hai con số trong ba năm vừa qua.
Tờ The Star nhấn mạnh, JPMorgan Chase & Co. và HSBC Holdings Plc nằm trong số các ngân hàng kỳ vọng thị trường chứng khoán trị giá 269 tỷ USD của Việt Nam sẽ giành được sự công nhận nâng cấp từ FTSE Russell vào cuối năm nay. Tờ báo này nhận định, nếu Việt Nam được nâng cấp thì sẽ cùng với Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines của Đông Nam Á tham gia nhóm thị trường mới nổi.
Ông Hyroyuki Moribe - Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam tại Nhật Bản nhận định: "Một đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam gần đây là số lượng công ty khởi nghiệp, công ty tham gia vào thị trường tăng lên. Tôi tin rằng những công ty này sẽ tăng trưởng trong năm tới. Đây là tín hiệu tốt cho thị trường Việt Nam mà các nhà đầu tư cần phải chú ý".
Tờ Bangkokpost kêu gọi nhà đầu tư cần chú ý đến chứng khoán Việt Nam, khi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến sẽ thu hút dòng vốn nước ngoài trị giá 4 tỷ USD vào năm 2024. Tờ báo này trích dẫn nhận định của đơn vị tư vấn Thái Lan Tisco Advisory, Việt Nam thực sự trở thành thị trường chứng khoán mới nổi vào năm tới, với vốn hóa thị trường có tiềm năng tăng trưởng lên tới 30%.
Tiến sỹ Oliver Massmann - Tổng Giám đốc công ty Duane Morris Vietnam LLC nêu ý kiến: "Việt Nam nên cố gắng đạt được vị thế thị trường mới nổi càng sớm càng tốt để thu hút thêm vốn FDI. Để đạt được vị thế thị trường mới nổi này, tôi nghĩ Việt Nam nên giải quyết các vấn đề nội bộ và xây dựng một bộ quy tắc toàn diện hơn về thị trường chứng khoán, thị trường năng lượng điện, thị trường đầu tư… để những bộ quy tắc đó trở nên minh bạch hơn".
Tờ Reuter đánh giá, Việt Nam đang lên kế hoạch nới lỏng các thủ tục thanh toán thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài - một biện pháp quan trọng để thuyết phục các nhà quản lý chỉ số vốn cổ phần nâng cấp lên vị thế thị trường mới nổi và thu hút hàng trăm triệu đô la đầu tư mới.