Dự án tuyến đường sắt có trị giá khoảng 5 tỷ USD đã được chính phủ Lào và Việt Nam đồng ý cùng phát triển. Trong đó, phần vốn cho đầu tư bên Việt Nam gần 1,6 tỷ USD theo mô hình PPP. Chính phủ Việt Nam đã đồng ý cho phép Lào tiếp cận cảng nước sâu Vũng Áng - cảng biển gần nhất với thủ đô Viêng Chăn (Lào).
Hiện nay, phía Lào sắp trình kết quả nghiên cứu tiền khả thi đoạn tuyến đường sắt xuyên Lào lên Bộ Giao thông Vận tải Lào để phê duyệt. Từ phía Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đang thực hiện nghiên cứu khả thi đoạn tuyến đường sắt ở Việt Nam. Đoạn tuyến đường sắt ở Việt Nam dự kiến nghiên cứu sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022 và trình lên Quốc hội Việt Nam vào giữa năm nay.
Tuyến đường được xây dựng từ thủ đô Viêng Chăn của Lào đến cảng Vũng Áng thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Do đó, tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng là một trong những dự án trọng điểm mà tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm.
Hiện nay, Hà Tĩnh đang tập trung xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng sớm trở thành khu kinh tế động lực tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Cùng với đó, Hà Tĩnh tập trung thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chính vì vậy, tuyến đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu tăng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai khu vực. Theo Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh sẽ tận dụng cơ hội này để hình thành trung tâm logistics, kết nối hàng hóa đến cảng cửa ngõ.
Theo kế hoạch phát triển của Hà Tĩnh, dịch vụ logistics là một trong 4 ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh cần tập trung tạo đột phá phát triển từ nay đến năm 2030. Khi dự án kết nối Viêng Chăn – Vũng Áng hoàn thành, tuyến đường sẽ góp phần đưa Hà Tĩnh trở thành trung tâm logistics của vùng Bắc Trung Bộ.
Ngoài ra, theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, việc xây dựng tuyến đường sắt nối thủ đô Viêng Chăn - cảng Vũng Áng của Việt Nam là sự kết hợp, tận dụng vị trí trung tâm của Lào trong ASEAN và lợi thế biển của Việt Nam.
Chính phủ hai nước Lào - Việt Nam mong muốn tuyến đường sắt giúp tăng cường khả năng trung chuyển hàng hóa tại cảng biển Vũng Áng. Cụ thể, chính phủ hướng đến năng lực tiếp nhận tàu biển từ 5.000-100.000 tấn và cung cấp dịch vụ cho 50.000-1.200.000 container, với trọng lượng hàng hóa từ 3 triệu tấn lên 20 triệu tấn vào năm 2030.
Trên thực tế, cảng Vũng Áng là cảng có vị trí thuận lợi, là cửa ngõ giao thông giữa miền Trung Việt Nam, miền Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan. Theo tờ Vientiane Times (Lào), tuyến đường sắt sẽ kết nối trực tiếp thị trường hàng hóa của Thái Lan, Myanmar với cảng Vũng Áng của Việt Nam.
Tờ Vientiane Times (Lào) cho biết, khi tuyến đường chính thức đi vào hoạt động, giao thương hàng hóa đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á được xếp dỡ nhanh hơn, thuận tiện hơn. Qua đó, giao thương thương mại giữa Việt Nam với các nước láng giềng được tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, tuyến đường sắt nối Viêng Chăn (Lào) với Vũng Áng (Việt Nam) được xây dựng với mục đích kết nối với đường sắt Lào – Trung. Đặc biệt hơn, từ việc kết nối đường sắt Lào – Trung có thể thuận lợi hơn khi hướng tới tiếp cận các thị trường châu Âu trong tương lai.
Bên cạnh tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng, chính phủ hai nước đang tiến hành triển khai thêm tuyến đường cao tốc nối thủ đô Hà Nội – thủ đô Viêng Chăn. Theo Chủ tịch PetroTrade kiêm Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào, tuyến đường được xây dựng với mục đích kết nối hai nền kinh tế Việt – Lào.
Chính phủ hai nước đã xác định tuyến đường sắt Viêng Chăn – cảng Vũng Áng và đường cao tốc kết nối thủ đô Hà Nội – thủ đô Viêng Chăn là hai dự án kết nối chiến lược. Hai nước thực hiện đầu tư và xây dựng hai dự án này nhằm giúp đáp ứng nhu cầu tăng kim ngạch thương mại hai chiều hai nước.