Giá khí đốt và tiền điện tăng cao, lạm phát cao, mức sống xuống thấp nhất trong suốt nhiều thập kỷ. Trước khi Nga xâm lược Ukraine, "gam màu sẫm" đã bao trùm nền kinh tế của nước Anh. Hiện tại, cuộc xung đột diễn ra tại châu Âu và cuộc chiến tranh kinh tế thông qua các lệnh trừng phạt lại càng gây thêm áp lực cho nền kinh tế của nước này.
Tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã khiến cho giá năng lượng đã cao nay lại càng cao thêm. Trong tuần này, Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến sẽ tăng lãi suất để đối phó với áp lực lạm phát. Điều này sẽ làm cho chi phí sinh hoạt tăng thêm do chi phí đi vay tăng. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ giúp chính phủ phòng ngừa tỷ lệ lạm phát tăng cao trong dài hạn.
Gồm chín thành viên, Ủy ban chính sách tiền tệ của Anh (MPC) có khả năng sẽ bỏ phiếu tăng lãi suất từ mức 0,5% lên 0,75%, đưa chi phí đi vay trở lại mức trước khi đại dịch bùng phát. Những thành viên thuộc "phe diều hâu" (những thành viên ủng hộ chính sách thắt chặt) có thể sẽ muốn đẩy lãi suất lên mức cao hơn 1% - mức lãi suất huy động cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Dù nhiều vấn đề đã xảy ra trước khi chiếc xe tăng đầu tiên của Nga tiến vào Ukraine, cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin đã làm cho việc giải bài toán làm dâu trăm họ của ngân hàng trung ương Anh trở nên khó khăn hơn.
Ngân hàng trung ương Anh dự báo vào tháng tư năm nay, lạm phát của nước này sẽ đạt đỉnh ở mức 7.25%. Tuy vậy, với những lệnh trừng phạt của phương Tây và các biện pháp đối phó của Nga, giá dầu và khí đốt trên thị trường quốc tế tăng lên, chỉ số lạm phát có thể sẽ lập đỉnh ở mức cao hơn, trong khoảng thời gian dài hơn so với dự báo.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định rằng khi lạm phát đạt đỉnh ở mức gần 10%, cùng với giá nhiên liệu và chi phí xăng dầu cao, chi phí sinh hoạt vốn đã đắt đỏ nay sẽ được đẩy lên mức cao kỷ lục.
Trước khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine xảy ra, nền kinh tế của Anh vẫn ở trong tình trạng tốt hơn so với dự đoán. Số liệu chính thức cho thấy trong tháng một, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng trưởng 0.8% so với thời điểm cuối năm 2021 (khi chủng Omicron xảy ra).
Đây là tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với dự đoán của các chuyên gia kinh tế. Số lượng công việc vẫn tiếp tục tăng lên mặc dù kế hoạch gia tăng việc làm của chính phủ đã kết thúc. Mặc dù những vấn đề về chuỗi cung ứng đã giảm dần, các công ty vẫn đang cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguyên liệu và nhân công.
Tuy nhiên, ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đối với giá năng lượng và chuỗi cung ứng khiến cho sự tăng trưởng trong những tháng đầu năm có thể sẽ tiếp tục xảy ra. Với những chính sách thắt chặt, chi tiêu tiêu dùng có khả năng sẽ giảm xuống, làm hãm đà tăng trưởng kinh tế.
Những chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs dự đoán tỷ lệ tăng trưởng của Anh trong quý đầu tiên của năm 2022 sẽ rơi vào khoảng 1,2% - tương đương với mức tăng trưởng của nước này vào mùa hè năm ngoái (khi Anh đã nới lỏng những hạn chế về đại dịch, khiến cho nền kinh tế phục hồi trở lại). Tuy vậy, GDP của Anh trong quý hai dự kiến chỉ đạt 0,4%.
Theo các nhà phân tích của ngân hàng UBS, mỗi khi giá nhiên liệu, điện và khí đốt tăng lên 10%, chi tiêu hộ gia đình sẽ bị giảm khoảng 0.3 điểm phần trăm và GDP giảm 0,2 điểm phần trăm. Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng trong viễn cảnh xấu nhất (giá dầu và giá năng lượng tăng vọt) nền kinh tế Anh thậm chí có thể rơi vào suy thoái cuối năm nay.
Do đó, nhiều người đã đặt câu hỏi rằng liệu Ngân hàng trung ương Anh có nên tiếp tục tăng lãi suất khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại hay không.Việc tăng chi phí đi vay sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến giá năng lượng toàn cầu, và động thái này sẽ làm hãm đà tăng của nền kinh tế.
Các nhà kinh tế học tin rằng Ngân hàng trung ương Anh sẽ tiếp tục ưu tiên việc kiểm soát lạm phát hơn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, với mức tiêu dùng hộ gia đình đang mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ như hiện tại, ngân hàng trung ương Anh cần phải thực hiện kế hoạch trên một cách thật cẩn trọng.