Trong sự kiện ra mắt Hiệp hội Blockchain Việt Nam ngày 17/5, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết: "Trong top 200 công ty blockchain hàng đầu thế giới, có 7 doanh nghiệp do người Việt sáng lập. Chúng ta cũng có 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có vốn hóa trên 100 triệu USD. Các kỳ lân công nghệ blockchain của Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện với mức ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu".
Ông Tùng cho rằng blockchain là xu hướng công nghệ đột phá, được chính phủ Việt Nam và các bộ ngành đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh số kỹ sư, doanh nghiệp xuất hiện ngày một nhiều, nhu cầu kết nối chia sẻ càng mạnh mẽ, Hiệp hội blockchain ra đời là cần thiết. "Tôi hy vọng hiệp hội là nơi để các tổ chức, cá nhân đam mê cùng chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực để thúc đẩy nghiên cứu, thử nghiệm, từ đó góp phần quan trọng vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số", ông Tùng nói.
Ông Hoàng Văn Huây, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, khẳng định công nghệ chuỗi khối đang được nhiều quốc gia trên thế giới ứng dụng rộng rãi trong đa dạng lĩnh vực. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia sớm nắm bắt xu hướng. Hiệp hội ra đời sẽ đánh dấu một giai đoạn mới, là bước đệm quan trọng để blockchain được ứng dụng rộng rãi, hợp lý vào các hoạt động kinh tế, xã hội trong nước.
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội, cho rằng hợp tác quốc tế sẽ mở ra cơ hội cho các công ty blockchain, giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư khổng lồ từ quốc tế.
"Nhà đầu tư trên khắp thế giới sẵn sàng tham gia các hội nghị thượng đỉnh về blockchain được tổ chức tại Việt Nam. Các công ty blockchain cũng khao khát được 'hạ cánh', Việt Nam có thể trở thành cái nôi của ngành blockchain toàn cầu chứ không chỉ cạnh tranh với Singapore như hiện tại nếu chúng ta có hành lang pháp lý phù hợp", ông Trung khẳng định.
Hiệp hội Blockchain Việt Nam đặt ra sáu mục tiêu: Phát triển hội viên; Xây dựng các tiêu chuẩn hội viên; Hợp tác thúc đẩy ứng dụng; Phổ biến kiến thức cho cộng đồng; Tham gia đóng góp ý kiến về chính sách và Hợp tác quốc tế.
Từ kinh nghiệm làm việc và quan sát ở những quốc gia công nghệ phát triển, ông Huy Nguyễn, CEO KardiaChain, Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain, cho rằng: "Với các công nghệ mới, chúng ta không chỉ chú trọng việc làm nhanh, hiệu quả, mà còn phải đặc biệt lưu ý đến việc làm đúng và an toàn. Đây luôn là câu hỏi hóc búa với cả người làm công nghệ lẫn cơ quan quản lý".
Theo ông, để thực hiện được cần hai điều kiện tiên quyết. Thứ nhất là phổ cập kiến thức blockchain cho cộng đồng. Thứ hai là đưa ứng dụng blockchain có giá trị vào thực tế đời sống. Ông tin rằng với tốc độ hiện tại, chỉ 5 năm nữa, công nghệ blockchain sẽ len lỏi khắp ngóc ngách đời sống người Việt một cách tự nhiên.
Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain cho biết, 30 năm qua, Việt Nam bỏ lỡ nhiều xu hướng công nghệ lớn của thế giới. Còn với blockchain, Việt Nam đang song hành với thế giới, thậm chí có những ưu thế dẫn đầu. "Với sự ra đời của Hiệp hội, tôi tin trong tương lai, cộng đồng blockchain sẽ gắn kết chặt chẽ, cùng nhau chia sẻ nguồn lực để thế giới biết đến Việt Nam như một hệ sinh thái lớn mạnh, bền vững chứ không chỉ là những sản phẩm xuất sắc đơn lẻ", ông nói.