Việc niêm yết Vinpearl không chỉ đánh dấu bước phát triển quan trọng cho chuỗi nghỉ dưỡng lớn nhất Việt Nam, mà còn hoàn thiện bức tranh về hệ sinh thái Vingroup trên sàn, mở ra cơ hội huy động vốn cho mảng du lịch - nghỉ dưỡng.

VinWonders Phú Quốc. (Ảnh: Vinpearl).
Định giá các doanh nghiệp “họ Vingroup” trước Vinpearl
Mức định giá 5 tỷ USD của Vinpearl đưa phân khúc du lịch – nghỉ dưỡng lên ngang tầm với các lĩnh vực chủ chốt khác của tập đoàn.
Hệ sinh thái Vingroup trên thị trường chứng khoán đã bao gồm 5 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và đăng ký giao dịch tại UPCoM, với tổng vốn hóa hàng chục tỷ USD.
Đứng đầu là Vingroup (Mã: VIC), có thị giá 70.500 đồng tại phiên 6/5 và vốn hóa gần 270.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 11 tỷ USD. Với quy mô này, Vingroup là doanh nghiệp tư nhân giá trị nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Kế sau đó là Vinhomes (Mã: VHM), công ty con chuyên phát triển bất động sản nhà ở, ghi nhận vốn hóa 250.141 tỷ đồng với giá cổ phiếu chốt phiên 6/5 tại 60.900 đồng.
Đây là đơn vị có quy mô lớn nhất ngành bất động sản Việt Nam. Sức hấp dẫn của Vinhomes đến từ các dự án khu đô thị cao cấp trải dài khắp các thành phố lớn, giúp công ty duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ổn định.
Vincom Retail (Mã: VRE), đơn vị phụ trách mảng bất động sản bán lẻ với hệ thống trung tâm thương mại, hiện có giá trị vốn hóa 56.581 tỷ đồng. Quy mô nhỏ hơn, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC – Mã: VEF) có vốn hóa xấp xỉ 35.000 tỷ đồng và là đơn vị có giá cổ phiếu cao nhất trong hệ sinh thái, đóng cửa phiên 7/5 ở 209.900 đồng.
Trên thị trường quốc tế, VinFast, công ty con chuyên sản xuất ô tô điện, đã niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) vào ngày 15/8/2023 thông qua sáp nhập với công ty SPAC Black Spade Acquisition Co. Thương vụ này định giá VinFast ở mức hơn 23 tỷ USD. Hiện tại, vốn hoá VinFast đạt khoảng 8,6 tỷ USD.
Sau các thương vụ trên, việc bổ sung Vinpearl giúp hình ảnh hệ sinh thái Vingroup trên thị trường chứng khoán dần hoàn thiện hơn với các mảng từ bất động sản, bán lẻ, công nghiệp và kế đến là du lịch, nghỉ dưỡng.
Tân binh Vinpearl có định giá vượt nhiều tên tuổi thâm niên trên TTCK
Trở lại với thương vụ, Vinpearl niêm yết không chỉ hoàn thiện cho hệ sinh thái Vingroup trên sàn chứng khoán mà còn gia tăng sự đa dạng ngành trong cấu trúc vốn hóa của thị trường. Ngay sau khi niêm yết, đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực khách sạn nghỉ dưỡng lọt Top20 công ty có giá trị lớn nhất trên sàn, vượt qua nhiều cái tên truyền thống.
Tạm tính dựa trên mức giá tham chiếu trong phiên đầu tiên, định giá Vinpearl (VPL) là 127.862 tỷ đồng, xếp hạng thứ 14 trong 20 công ty giá trị nhất thị trường.

(Nguồn: X.N tổng hợp).
Dẫn đầu bảng xếp hạng vẫn là cổ phiếu Ngân hàng với Vietcombank (Mã: VCB) ở ngưỡng 476.273 tỷ đồng, gần gấp đôi doanh nghiệp thứ hai là Vingroup với 269.568 tỷ đồng. Vinhomes bám sát ở mức 250.141 tỷ đồng, trong khi BIDV (Mã: BID) đứng thứ 4 với 245.397 tỷ đồng.
Một số cái tên quen thuộc khác trong Top 20 gồm Viettel Global (Mã: VGI), ACV và VietinBank (Mã: CTG), mỗi công ty đều ghi nhận vốn hóa trên 200.000 tỷ đồng, cho thấy sự ổn định và quy mô lớn của các ngành hàng không, ngành công nghiệp – năng lượng và ngân hàng.
Techcombank (Mã: TCB) và Hòa Phát (Mã: HPG) cũng duy trì vị trí ở các thứ hạng tiếp theo, lần lượt đạt 189.691 tỷ và 162.785 tỷ đồng.
Ở nhóm sau, Masan Group (Mã: MSN) và Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đạt vốn hóa lần lượt 89.178 tỷ và 89.475 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 40% so với Vinpearl.