Th.S Lê Đình Quyết, đại diện Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ và Tây nguyên cho biết: Đối với trận mưa lịch sử ngày 10.5, điều bất thường dễ nhận thấy nhất là lượng mưa rất lớn và xuất hiện trên diện rộng, nhiều nơi mưa trên 100mm. Đặc biệt, tại Củ Chi lượng mưa lên tới 230mm chỉ trong một tiếng rưỡi là rất hiếm gặp, trừ lần bị ảnh hưởng bão Usagi hồi tháng 11.2018.

Trận mưa lớn lịch sử ở TP.HCM và Nam bộ
ẢNH: PHẠM HỮU
Sự dị thường nằm ở vị trí và hình thế trục của rãnh áp thấp. Thông thường, trục của rãnh áp thấp nằm theo phương ngang và song song với vĩ tuyến, vắt ngang nam bộ; nhưng rãnh áp thấp hiện tại lại gần như dựng đứng và song song với kinh tuyến, rất ít khi xuất hiện. "Dĩ nhiên không phải vì trục của nó thẳng đứng nên gây ra mưa lớn, nhưng đây là dấu hiệu về sự khác thường của thời tiết", ông Quyết nhấn mạnh.

Nhiều nơi ở TP.HCM ngập sâu vì mưa lớn
ẢNH: PHẠM HỮU
Chuyên gia này giải thích thêm, một sự bất thường khác cũng rất dễ nhận thấy là mùa mưa xuất hiện không đồng đều giữa các nơi. Nhiều năm trước, chỉ trong 1 tuần đến 10 ngày thì toàn khu vực Nam bộ đã đồng loạt bước vào mùa mưa. Năm nay thì hoàn toàn khác, có nơi từ 17 - 18.4 đã bắt đầu vào mùa mưa nhưng có nơi đến thời điểm này vẫn chưa chính thức bắt đầu mùa mưa. Ngay trong 1 tỉnh thì có nơi đã vào mùa mưa và có nơi vẫn chưa.
"Sự khác thường của mùa mưa năm nay có thể giải thích là do sự tác động của biến đổi khí hậu gây ra. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới, những trận mưa lớn dị thường như vừa qua hoàn toàn có khả năng lặp lại", ông Quyết nói.