Chiều tối 24-8, tại Hà Nội, Hòa Bình, Hải Phòng và một số tỉnh miền Bắc xuất hiện mưa lớn kèm theo sấm sét dày đặc.
"Sét đánh sáng cả bầu trời Hà Nội và các tỉnh lân cận, sấm sét trắng trời Hà Nội" - nhiều người dân thủ đô chia sẻ về hiện tượng dông sét tối 24-8.
Chiều tối 22-8, tại Hà Nội, Thái Nguyên và nhiều tỉnh Bắc Bộ cũng xuất hiện thời tiết tương tự.
Theo thống kê của Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn) trong tối 22 và 24-8, hệ thống mạng lưới phát hiện, định vị, sét của đơn vị này ghi nhận được hàng nghìn cú sét đánh xuống đất và sét trong mây ở trên đất liền, trên biển và khu vực lân cận Việt Nam.
Trong đó sét phân bố, tập trung nhiều ở Hà Nội và các tỉnh thành ở Bắc Bộ.
Thời điểm từ 21h đến 22h tối 22-8, cứ 10 phút trôi qua có trung bình 600 đến 1.200 cú sét đánh, sét đánh tập trung chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Lý giải với Tuổi Trẻ Online về việc sấm sét xuất hiện dày đặc trong đợt mưa lớn này, một chuyên gia khí tượng cho biết theo các nguyên lý thì mưa dông kèm theo sét nhiều do đối lưu ở khu vực đó mạnh.
Theo vị này, dông là hiện tượng khí quyển phức tạp, bao gồm sự phóng điện trong đám mây hay giữa các đám mây với nhau và giữa các đám mây với mặt đất, tạo ra hiện tượng chớp và sấm. Trong cơn dông thường gây ra sét.
Nước ta là một trong những nơi có nhiều dông và xảy ra nhiều nhất ở vùng ven biển. Trên lục địa, dông thường xảy ra vào mùa nóng, nhất là vào buổi chiều và tối khi đối lưu ở trong đất liền phát triển mạnh hơn ở trên biển.
Ở vùng biển gần ven bờ, dông thường xảy ra vào ban đêm nhiều hơn, bởi vì vào ban đêm sự chênh lệch nhiệt độ giữa nước và không khí đạt đến cực đại tạo điều kiện thuận lợi cho đối lưu phát triển.
Ở nước ta mùa dông sét thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 4 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11, nhưng cũng tùy theo địa hình, mùa dông ở mỗi địa phương một khác.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia sáng ngày 25-8, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 20 - 40mm, cục bộ có nơi trên 100mm. Từ trưa 25-8, mưa lớn ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có xu hướng giảm.
Ngày và đêm 25-8, ở phía Tây Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30 - 80mm, cục bộ có nơi trên 120mm.
Từ ngày 26-8, mưa lớn ở phía Tây Bắc Bộ có xu hướng giảm dần.
Ngoài ra chiều tối 25-8, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15 - 30mm, cục bộ có nơi trên 60mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, khu đô thị và lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.