CTCP Lương thực Bình Định (Bidifood - Mã: BLT) là đơn vị có tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt cao nhất. Công ty chốt ngày 30/8 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 88% (1 cổ phiếu nhận 8.800 đồng). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 29/8. Ngày thanh toán dự kiến là 18/9.
Với 4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Bidifood cần chi 35,2 tỷ đồng trả cổ tức. Với tỷ lệ sở hữu 51% tạiBidifood, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (Vinafood II - Mã: VSF) có thể nhận về gần 18 tỷ đồng tiền cổ tức.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông công ty đã thông qua mức cổ tức tiền mặt năm 2023 là 88%, dù kế hoạch trước đó chỉ có 5,8%. Trái ngược với năm 2022, công ty đặt mục tiêu cổ tức lên tới 170,5% nhưng thực tế chi trả là 30%. Lý do được Bidifood đưa ra vào thời điểm đó là tình hình tài chính khó khăn, không có nguồn vốn để chi trả phần cổ tức còn lại.
Bidifood được thành lập vào năm 1975, tiền thân là Sở Lương thực Nghĩa Bình. Công ty chuyên kinh doanh, chế biến mặt hàng lương thực và nông sản phục vụ cho xuất khẩu và nội địa.
CTCP PVI (Mã: PVI) thông báo ngày 30/8 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 32% (1 cổ phiếu nhận 3.200 đồng), tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 29/8.
Với hơn 234 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần chi hơn 748 tỷ đồng trả cổ tức. Ngày thanh toán dự kiến là 20/9.
Theo cơ cấu hiện nay, HDI Global SE hiện là cổ đông lớn nhất sở hữu 41,05% vốn PVI, ước tính nhận về 307 tỷ đồng cổ tức. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm 35% vốn sẽ nhận về gần 262 tỷ đồng. Tổ chức có liên quan là Funderburk Lighthouse Litmited có thể nhận về 94 tỷ đồng nhờ sở hữu 12,61% vốn của PVI.
Cổ đông CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (Mã: SGN) có kế hoạch chia cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 25% (1 cổ phiếu nhận 2.500 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng là 30/8, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 29/8.
Với hơn 33,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần bỏ ra hơn 83,7 tỷ đồng trả cổ tức. Ngày thanh toán dự kiến là 30/9.
Trong đợt chia cổ tức này, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) dự kiến nhận về 40,2 tỷ đồng nhờ nắm 48,03% vốn. Quỹ đầu tư nước ngoài America LLC có thể bỏ túi 20 tỷ đồng do sở hữu 24,01% vốn. CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) nắm 9,11% vốn sẽ nhận hơn 7,6 tỷ đồng cổ tức.
SGN là doanh nghiệp có truyền thống trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ cao. Trong ba năm liên tiếp 2022, 2021, 2020 là 25%, năm 2019 là 40%.
CTCP ICD Tân Cảng - Long Bình (Mã: ILB) chốt ngày 30/8 là ngày trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 21,07% (1 cổ phiếu nhận 2.107 tỷ đồng). Đây cũng là mức cổ tức cao nhất của công ty kể từ khi niêm yết trên HOSE. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 29/8. Ngày thanh toán dự kiến là 16/9.
Với hơn 24,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần chi hơn 51,6 tỷ đồng trả cổ tức. Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn - công ty mẹ của Tân Cảng - Long Bình đang sở hữu 51% vốn sẽ nhận khoảng 26 tỷ đồng. Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản NHTMCP Quân đội nắm giữ 8% vốn bỏ túi hơn 4 tỷ đồng cổ tức.
Giai đoạn 2019-2021,Tân Cảng - Long Bình duy trì mức cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 15%, sau đó tăng lên 19,9% vào năm 2022. Đối với năm 2024, mức cổ tức dự kiến là 15%.
Tân Cảng - Long Bình được thành lập năm 2007, có trụ sở tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Công ty được ví như là mắt xích quan trọng của hệ sinh thái dịch vụ của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn khi tập trung phát triển các lĩnh vực cốt lõi là khai thác kho bãi, các dịch vụ giá trị gia tăng gắn liền với kho, bãi và các dịch vụ logistics.