Hiện tại, các nhà sản xuất thép nước này đối mặt với tổn thất ngày càng lớn trong bối cảnh “mùa đông khắc nghiệt” ảnh hưởng đến cả ngành, tình hình còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới đã nỗ lực cắt giảm công suất trong nhiều năm, nhằm cải thiện tình trạng cung vượt cầu và ô nhiễm. Chương trình thay thế, được đưa ra vào năm 2015, nhằm mục đích cắt giảm công suất sắt và thép, bằng cách yêu cầu các cơ sở mới có quy mô không lớn hơn cơ sở cũ.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) đã thông báo dừng chương trình trên khi đang tham khảo ý kiến các bên liên quan để sửa đổi chương trình. Theo thông báo của MIIT, một số vấn đề đã diễn ra trong quá trình thực hiện chương trình và “không phù hợp với tình hình phát triển và nhu cầu của ngành”.
Thông báo chỉ ra: “Hiện tại, mối quan hệ cung - cầu của ngành thép đang đối mặt với những thách thức mới.”
Cơ quan này cho biết thêm, việc không tuân thủ thông báo mới sẽ bị coi là “tăng sản lượng thép bất hợp pháp”.
Thông báo mới được đưa ra trong bối cảnh ngành thép Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực tài chính ngày càng lớn, một số vụ phá sản đã diễn ra trong thời gian gần đây.
Weimin Zhang, phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Fitch Ratings, cho biết: “Chúng tôi cho rằng thông báo mới sẽ giúp giảm công suất dưới mức trung bình và cải thiện động lực cung cầu của ngành thép Trung Quốc.”
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Vivian Yang của Mysteel, một số nhà sản xuất thép vẫn đang mở rộng công suất thông qua chương trình thay thế. Ngoài ra, việc giới hạn hạn ngạch công suất cũng gây trở ngại cho các công ty “xác sống” muốn rút lui.
Trong 7 tháng đầu năm, sản lượng thép của Trung Quốc là 613,72 triệu tấn, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2023, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Nhà phân tích Alyssa Ren của Mysteel cho biết, hầu hết các nhà máy thép tích hợp của Trung Quốc đã tạm dừng sản xuất hoặc nâng cấp bảo trì vì doanh số sụt giảm.
Ren nói thêm: “Kịch bản như vậy có khả năng sẽ kéo dài sang tháng tới, dù một số ý kiến kỳ vọng rằng nhu cầu thép sẽ hồi phục trong tháng 9 và tháng 10. Dữ liệu kinh tế mới cho thấy lĩnh vực sản xuất đã tăng trưởng chậm lại và cơ sở hạ tầng mới trong nước cũng trì trệ cùng lĩnh vực bất động sản.”
Ngành thép Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng từ nhu cầu yếu do suy thoái kéo dài của ngành bất động sản - lĩnh vực chứng kiến đầu tư giảm tới 10,2% trong 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2023.
National Enterprise Bankruptcy Information Disclosure - Nền tảng công khai thông tin phá sản của Trung Quốc, cho thấy một loạt các nhà sản xuất thép Trung Quốc đệ đơn phá sản trong những tuần gần đây, bao gồm: Dongling Group có trụ sở tại Thiểm Tây, Haihe Steel tại Phúc Kiến và Tangshan Fengrun Yanfeng Iron and Steel ở Hà Bắc.
Giám đốc điều hành của một số công ty thép lớn nhất Trung Quốc đã cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và các công ty trong ngành phải chấp nhận tình trạng này.
Zhang Rui, tổng giám đốc của Tập đoàn Jianbang ở tỉnh Sơn Tây phía bắc, dự kiến hơn 30% các nhà sản xuất thép của Trung Quốc sẽ bị loại bỏ trong đợt sáp nhập mới nhất.
Trong khi đó, Zhang Hongjun, tổng giám đốc của Anshan Iron and Steel thuộc sở hữu nhà nước, đã cảnh báo các nhân viên tại cuộc họp giữa năm của công ty. Ông cho hay, ngành thép đang ở tình trạng bi quan hơn cả thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và 2015.
Trước đó, Chủ tịch Tập đoàn Thép Baowu, Hu Wangming, cũng cho biết tình hình của ngành thép như “mùa đông khắc nghiệt”.
Tham khảo SCMP